Rõ hơn cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 07:27, 12/10/2012
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện Ban Soạn thảo Luật Thủ đô, trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ QH tại phiên họp thứ 12, Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất bao gồm 4 chương, 28 điều. Trong đó có nhiều điểm mới như quy định vùng Thủ đô là khu vực không gian liên kết phát triển KT-XH, gồm Thủ đô là trung tâm và các tỉnh, TP trực thuộc TƯ theo quy định của Chính phủ. Về quản lý đất đai, ngoài các quy định của pháp luật hiện hành, HĐND TP được ban hành các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, GPMB kịp thời để thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô…
Dự thảo giữ quy định, HĐND TP có trách nhiệm quy định mức thu phí giao thông ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền. Về việc xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành, HĐND TP được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng. Theo đại diện Ban Soạn thảo, việc quy định mức phí cao hơn không phải để thu tiền mà nhằm góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề mang tính lâu dài vừa xử lý những vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với Thủ đô hiện nay, hướng tới phát triển Thủ đô toàn diện về mọi mặt, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội và Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Vấn đề được quan tâm là quy định về nhập cư, dự thảo mới nhất quy định, ngoài những quy định của pháp luật về cư trú, người nhập khẩu phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên, nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi ở tạm trú. Đại diện CATP đề xuất, ngoài điều kiện nhập khẩu như dự thảo quy định, nên bổ sung vào khoản 4 mục b điều 19 Điều kiện có việc làm ổn định và hợp pháp. Đồng thời đưa những người có thành tích đặc biệt vào đối tượng xét đặc cách đăng ký thường trú.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý và sự nỗ lực của Ban Soạn thảo, những vấn đề còn vướng mắc như mức xử phạt hành chính, quản lý dân cư và chính sách, cơ chế tài chính đã từng bước được làm rõ theo tinh thần hướng tới sự đồng thuận cao. Các quy định trong dự thảo mới nhất đã làm rõ hơn cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô và có tính khả thi hơn. Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà đánh giá, dự thảo luật lần này đã làm rõ các quy định cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước.
Đa số các ý kiến tại hội nghị đều mong muốn QH sẽ thông qua Luật Thủ đô ngay tại kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc vào cuối tháng 10 tới.
* Trước đó, sáng 11-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị quyết của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Cơ bản tán thành với nội dung dự thảo nghị quyết, các ý kiến cho rằng nên tách bạch việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Để việc bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực chất, tránh dàn trải, QH nên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh. HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND; trưởng các ban của HĐND và chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của UBND. Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, các mức như dự thảo đề cập gồm tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp còn chung chung, nên chăng có thang điểm với những tiêu chí cụ thể để việc đánh giá khách quan hơn và tránh thiệt thòi cho người được bỏ phiếu. Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cần được thông báo công khai nhằm bảo đảm sự khách quan, dân chủ.
Tại buổi góp ý, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về thời gian bỏ phiếu tín nhiệm. Có ý kiến cho rằng việc tổ chức mỗi năm một lần như dự thảo là phù hợp, song cũng nhiều đại biểu đề xuất nên tổ chức vào giữa và cuối mỗi nhiệm kỳ của QH và HĐND vì thời gian một năm là qúa ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình, việc lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên cũng dễ tạo tâm lý "dĩ hòa vi quý"…