Chưa tìm được tiếng nói chung

Kinh tế - Ngày đăng : 06:57, 11/10/2012

(HNM) - Kết thúc hội nghị "Hợp tác sản xuất và tiêu dùng mía đường niên vụ 2012-2013" (do Hiệp hội Mía đường Việt Nam - VSSA tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 10-10), các đại diện cung cầu mía đường vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Điều này đồng nghĩa với việc gánh chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng...

Ngành mía đường cần xây dựng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng.


"Điệp khúc" tranh cãi

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên viên Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam), hằng năm công ty có nhu cầu đường từ 30 đến 40 nghìn tấn theo tiêu chuẩn đường tinh luyện hảo hạng (RE). Thế nhưng chỉ có khoảng vài đơn vị trong nước đáp ứng được yêu cầu đưa ra. Đại diện Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng thẳng thắn nói, hiện nay chỉ đếm đầu ngón tay các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường trong nước đạt chất lượng cao theo quy chuẩn quốc tế. Thực tế phần lớn các DN này chỉ đáp ứng được vài quy chuẩn như màu, độ ẩm hay độ khô… của đường. Trong khi các nước sản xuất đường hàng đầu trên thế giới đưa ra ít nhất trên 10 tiêu chuẩn quy định đường đạt chất lượng cao.

Tương tự, các công ty chuyên về chế biến thực phẩm như: Nutifoods, Kinh Đô, Hải Hà, Vinamilk, Pepsico… cũng bày tỏ băn khoăn về chất lượng đường trong nước và cho rằng, ngành cung ứng mía đường nên tham khảo bộ quy chuẩn của một số công ty thực phẩm quốc tế để xây dựng các quy định riêng về chất lượng.

Trái với các "thượng đế", các nhà sản xuất đường trong nước lại có quan điểm hoàn toàn khác. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Biên Hòa (Đồng Nai) khẳng định, đường Biên Hòa đã áp dụng công nghệ phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới và liên tục nâng cấp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, giảm dần chi phí giá thành. Ngoài ra, công ty vẫn luôn đáp ứng các tiêu chuẩn và cung cấp sản phẩm cho các công ty chuyên về chế biến thực phẩm với sản lượng không ngừng tăng hàng năm… Ở mức độ gay gắt hơn, khi đại diện Công ty TNHH TM DV Tân Hiệp Phát (Bình Dương) nêu ý kiến "chất lượng đường Khánh Hòa chưa ổn định, cần xem xét kỹ hơn", ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa lập tức "vặn" lại: "Không biết đại diện Tân Hiệp Phát dựa vào cơ sở nào để phản ánh như vậy? Vừa qua, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Tân Hiệp Phát và đã thông qua kế hoạch mua đường, khó khăn hiện tại chỉ là cơ chế và giá cả!".

Theo bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, hằng năm DN này tiêu thụ từ 40 đến 50 nghìn tấn đường. Tuy nhiên, có một nghịch lý là DN sản xuất đường báo giá một đằng nhưng khi bán lại một nẻo, nếu không chịu giá đưa ra thì tuyên bố là "đã hết đường"!? Do phải cạnh tranh gay gắt nên sự bấp bênh của giá cả đầu vào khiến cho DN không yên tâm sản xuất.

Đại diện Công ty Nước giải khát Chương Dương (TP Hồ Chí Minh) cũng bức xúc, tuy DN chỉ tiêu thụ khoảng 5 nghìn tấn đường/năm nhưng khi mua tại các DN sản xuất luôn phải đối mặt với việc đường tăng giá liên tục. Đơn cử, trong vòng 1 tháng có thể lấy về 2 đến 3 đợt nhưng giá đường lúc thì 17 nghìn đồng/kg, lúc khác lại là 18 nghìn hay 19 nghìn đồng/kg...  “Điều này dẫn tới giá đường thành phẩm nước ta vẫn biến động liên tục, khiến cho các DN luôn khó khăn mỗi khi bán ra thị trường. Cụ thể, giá đầu vụ và cuối vụ thường chênh lệch khoảng 50%, từ 17 nghìn đồng/kg lên khoảng 25 nghìn  đồng/kg!" - ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty CP bánh kẹo Bibica (TP Hồ Chí Minh) nói. Theo ông Chiến, đối với giá bán bánh kẹo, Bibica không thể điều chỉnh quá 10%/năm. Nếu giá mía đường tăng cũng chỉ nên dao động trong khoảng 5-10%, chứ tăng vài chục phần trăm như hiện nay sẽ không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Thu mua mía nguyên liệu sản xuất đường.

Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chung

Trước tranh cãi gay gắt của các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ đường, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA cho rằng, thời gian tới cần thống nhất các tiêu chuẩn chung về chất lượng giữa DN bán và mua, bởi hiện nay, các tiêu chuẩn về chất lượng đường đưa ra chưa cụ thể. Các DN sản xuất đường công bố tiêu chuẩn sớm để các DN mua biết được và có yêu cầu bổ sung hay sửa đổi cho phù hợp, để từ đó tìm được tiếng nói chung. Về tình trạng giá liên tục "nhảy múa" từ đầu vụ đến cuối vụ như các DN phản ánh, ông Long đề nghị các bên cùng hiệp hội ngồi lại với nhau để thống nhất mức giá chung theo từng tháng và từng quý, tạo sự ổn định cho các bên yên tâm làm ăn. 

Bên cạnh đó, theo VSSA, hiện với mức thuế suất ưu đãi trong hạn ngạch (chỉ 5% từ AFTA) thì giá đường khi nhập về sẽ rẻ hơn giá đường trong nước sản xuất từ 4 nghìn đến 5 nghìn đồng/kg tùy chủng loại. Với tổng lượng quota dự kiến nhập khẩu trong năm 2012 là 70.000 tấn, thì mức lợi do chênh lệch giá sẽ lên tới vài  trăm tỷ đồng. Thế nên không phải bỗng nhiên các DN ngành chế biến thực phẩm mong chờ được cấp hạn ngạch nhập khẩu lượng đường này. Đây chính là thách thức đối với ngành sản xuất mía đường trong nước.
VSSA dự báo, niên vụ 2012-2013, sản lượng đường cả nước sẽ đạt trên 1,5 triệu tấn. Trong đó, đường tinh luyện ước đạt hơn 730 nghìn tấn, đường trắng xấp xỉ 50% tổng sản lượng còn lại. Theo quy hoạch ngành mía đường, đến năm 2020 tổng công suất toàn ngành phấn đấu đạt 140 nghìn tấn mía, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hà Phạm