Thẳng thắn nhìn nhận, mạnh tay xử lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 11/10/2012
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP): Hiện có tới 30-40% hộ nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long phải "treo ao", cùng với đó là hàng chục doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Riêng tại tỉnh An Giang, "thủ phủ" của nghề nuôi cá tra, có tới 21 nhà máy chế biến thủy sản (chiếm 70% số DN hoạt động trong lĩnh vực này ở An Giang) đang… "thoi thóp". Bên cạnh chi phí đầu vào tăng 15-20%, đầu ra khó khăn, hàng tồn kho nhiều do sức mua trên thị trường thế giới giảm sút…, một nguyên nhân quan trọng khiến DN, nông dân điêu đứng là do vướng mắc với các ngân hàng, cụ thể như khó tiếp cận vốn vay, lãi suất cao…, chưa kể nhiều ngân hàng còn ồ ạt rút vốn khiến DN và người chăn nuôi phải bán đổ bán tháo để trả nợ…
Tình trạng "âm thầm khai tử" không chỉ xảy ra với những hộ chăn nuôi và DN chế biến, xuất khẩu cá tra, mà còn dễ thấy ở nhiều lĩnh vực khác. Thực tế là nền kinh tế nước ta lâu nay tồn tại một nghịch lý, đó là DN khát vốn nhưng không vay được, hoặc không dám vay do lãi suất quá cao…, trong khi ngân hàng "ôm" cả núi tiền tồn kho bởi những rào cản chủ yếu do chính mình tạo ra, bởi sợ rủi ro, nợ xấu… Tình trạng thiếu vốn khiến DN lao đao, làm ăn khó khăn, đình trệ sản xuất, kinh doanh. Con số hàng trăm nghìn DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trên địa bàn cả nước cho thấy tình hình đã ở mức đáng báo động!
Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã chỉ ra rằng, mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vốn ở Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới. Thậm chí, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vốn ở nước ta còn cao hơn mức lãi suất cho vay ở nhiều quốc gia! Câu hỏi đặt ra là vì sao các DN Việt Nam lâu nay phải gánh chịu lãi suất vay vốn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới? Cũng không khó tìm câu trả lời, đó là vì lãi suất đồng vốn ở ta phải gánh cho cả những yếu kém trong nội tại ngành ngân hàng, cho những chi phí đầu tư tài chính (chứng khoán, bất động sản..) không hiệu quả, thậm chí đầy rủi ro, và những chi phí bất thành văn khác mà ở các nước trong khu vực và trên thế giới không hề có, hoặc có nhưng rất ít. Bởi những lý do trên mà lãi suất ngân hàng ở Việt Nam cao nhất thế giới, thế nhưng nghịch lý ở chỗ là mức lãi suất bất hợp lý, thậm chí là bất công, này lại đổ lên đầu người dân, DN và nền kinh tế!
Sự thẳng thắn, không né tránh vấn đề của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đã tạo niềm tin cho nhân dân, và khiến dư luận nhớ đến một động thái tương tự mới diễn ra cách đây vài tuần. Trước cảnh "sống dở, chết dở" của các DN trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã có "tối hậu thư", rằng những ngân hàng không giảm trần lãi suất cho vay thì sẽ công khai "bêu tên" tại kỳ họp HĐND TP, và "nếu xảy ra tình trạng người dân đua nhau rút hết tiền về thì đừng có kêu". Chỉ vài ngày sau tuyên bố cứng rắn kia, hàng loạt ngân hàng ở TP này đã công bố hạ trần lãi suất cho vay, hạ luôn cả lãi suất huy động.
Nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết, mạnh tay xử lý những yếu kém trong hệ thống ngân hàng chính là điều mà DN, người dân và dư luận đang mong mỏi, đồng thời sẽ là giải pháp để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, từng bước chấm dứt những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế.