Dạy học 2 buổi/ngày: Mô hình trường học tương lai
Giáo dục - Ngày đăng : 05:58, 11/10/2012
Chật vật dạy buổi hai
Thực tế khảo sát tại các trường tiểu học và THCS đầu năm học 2012-2013 cho thấy, có trường ít mặn mà với việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho HS. Thực chất, đây không phải là nhiệm vụ của các trường, mà xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh, nhất là những người có con trong độ tuổi tiểu học muốn gửi con ở trường cả ngày cho các thầy, cô giáo để yên tâm công tác. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS từ 20 năm nay. Trước nhu cầu ngày càng tăng của phụ huynh, các trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ HS nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện để làm được điều ấy. Nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Đống Đa) mỗi đầu năm học lại phải đôn đáo tìm chỗ gửi con vì trường chỉ tổ chức học một buổi, buổi còn lại dành cho HS Trường THCS Bế Văn Đàn; tương tự là tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng) đang phải sử dụng chung cơ sở vật chất nên không có điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS.
Cơ sở vật chật thiếu thốn, các huyện ngoại thành gặp không ít khó khăn trong việc dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh: Bá Hoạt
Ngoài nguyên nhân cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện để dạy - học 2 buổi/ngày, thực tế tại các trường cho thấy việc ít hào hứng của các trường còn do nhiều nguyên nhân tế nhị khác, trong đó có việc đội ngũ nhân lực của nhà trường sẽ bận rộn hơn nếu phục vụ học sinh 2 buổi/ngày. Do yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của phụ huynh, các thành viên trong trường, từ nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lý đều phải tự mày mò để có thể đảm đương nhiều việc ngoài chuyên môn, như tính toán kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ ăn, ngủ bán trú, chọn mua thực phẩm, chế biến, định lượng dinh dưỡng bữa ăn, xây dựng thực đơn…
Kinh phí triển khai phục vụ 2 buổi/ngày đều do phụ huynh đóng góp trên tinh thần thỏa thuận, nhà trường chỉ thu hộ, chi hộ, nếu làm không khéo thì rất dễ bị hiểu lầm. Chừng ấy việc, với bao nhiêu áp lực từ việc chăm, dạy HS cả ngày ở trường trong khi thu nhập chưa tương xứng khiến nhiều giáo viên không muốn "ôm đồm". Ước tính, thu nhập của một giáo viên tiểu học dạy học buổi hai ở một lớp có 35 HS vào khoảng 1,8 triệu đồng/tháng (gấp đôi so với năm học trước do mức thu theo quy định của TP tăng), song nếu chia cho 22 ngày thì công mỗi ngày chưa đầy 90 nghìn đồng - thấp hơn rất nhiều so với việc dạy thêm hoặc tổ chức quản lý HS ngoài giờ hiện nay. Trong thực tế, ban giám hiệu nhiều trường đã phải chật vật vận động giáo viên dạy buổi hai hoặc trông trẻ buổi trưa ở trường.
Không thể cứng nhắc
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có tác dụng gì với HS? Việc triển khai mô hình này có phải là bắt buộc đối với các trường hay không? Làm rõ những điều này chính là tìm ra câu trả lời cho việc có cần thiết phải đẩy mạnh mô hình này hay không.
Trước yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, từ năm 2000, chủ trương dạy học 2 buổi/ngày đã được Bộ GD-ĐT khuyến khích triển khai. Trong Chỉ thị về nhiệm vụ năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương "mở rộng diện HS được học 2 buổi/ngày, nhất là ở cấp tiểu học và THCS". Trong văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học cấp tiểu học, THCS, Bộ GD-ĐT quy định: Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm tăng cường các hoạt động thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Thời gian học buổi thứ 2 là dành cho việc tự học của HS, song có sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên. Ngoài ra, HS được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ… nhằm rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt nhóm theo sở thích. Với việc học cả ngày ở trường, các kiến thức HS cần tiếp nhận sẽ được rải ra, làm tăng khả năng tiếp nhận và hạn chế được tình trạng quá tải. Đây là mô hình trường học tương lai - theo lời của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ.
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu tới năm 2015 có 95% HS tiểu học và 50% HS THCS được học 2 buổi/ngày. Mục tiêu ấy đòi hỏi các cấp quản lý cần nhìn rõ thực trạng để chọn giải pháp đúng. Trước hết, phải thấy rõ rằng, dù đây là chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích cho HS nhưng thực tế cho thấy không thể áp dụng một cách cứng nhắc. Hà Nội có nhiều trường học đủ tiện nghi, song ở các huyện xa vẫn còn thiếu hàng nghìn phòng học. Vì vậy, dù được coi là mô hình trường học trong tương lai song việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không mang tính bắt buộc, chỉ áp dụng với những nơi có điều kiện. Tính đến nay, có 7 đơn vị có 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày (Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm), song cũng còn nhiều nơi chỉ đạt tỷ lệ hơn 20% như Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ...
Thực tế cho thấy còn có rào cản cho việc mở rộng mô hình "trường học tương lai" và việc khắc phục khó khăn không dễ hoàn thành trong thời gian ngắn.