Đau đầu vì bùn thải
Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 10/10/2012
Khối lượng tăng chóng mặt
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP, TP đang phát sinh một khối lượng bùn thải khổng lồ, với khoảng 3.000-4.000m3/ngày đêm (tương đương 5.000-6.000 tấn/ngày đêm). Riêng bùn thải từ hệ thống thoát nước, trung bình mỗi ngày đã phát sinh khối lượng từ 1.200-1.500 tấn/ngày. Còn bùn thải từ hệ thống thoát nước công nghiệp vào khoảng 300-400 tấn/ngày; từ hệ thống vệ sinh tự hoại 250-350 tấn/ngày; từ các nhà máy nước trên 80 tấn/ngày đêm. Còn bùn thải từ các công trường xây dựng, từ các nhà máy xử lý nước cấp hiện nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.
Hiện nay, việc xử lý bùn thải trên địa bàn TP còn rất khó khăn.
Theo nhận định của các nhà khoa học, lượng bùn thải tại TP có thành phần đa dạng và phân tán ở nhiều nơi, làm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tái sử dụng gặp nhiều khó khăn, phức tạp đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Điều đáng báo động là hiện có một lượng bùn thải không nhỏ từ hệ thống thoát nước của hơn 400 cơ sở y tế tại TP vẫn chưa có cách nào xử lý triệt để.
Không biết bùn thải nguy hại đi về đâu
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, hiện nay ngoại trừ bùn hầm cầu nhà vệ sinh được xử lý và sử dụng làm phân bón thì các loại bùn thải khác chỉ được xử lý sơ bộ hoặc không xử lý và đổ trực tiếp vào các bãi chôn lấp, hoặc… không rõ "đi đâu, về đâu"! Đơn cử như trước đây, lượng bùn thải từ hoạt động nạo vét cống rãnh được vận chuyển và đổ lên bãi chôn lấp ở Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Đến năm 2007 bãi chôn lấp này đóng cửa do quá tải. Sau đó năm 2008, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP được UBND TP giao thực hiện dự án xây dựng trạm tiếp nhận, xử lý bùn Đa Phước, huyện Bình Chánh với công suất 3.000m3/ngày đêm, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai, trong khi cơ quan chức năng cũng không nắm rõ trong thời gian qua hàng nghìn tấn bùn thải được xử lý, chôn lấp ở đâu. Hay như loại bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, hiện mới chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung là Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), với công suất 30.000m3/ngày và Bình Hưng (huyện Bình Chánh), công suất 141.000m3/ngày, không thể đáp ứng nhu cầu! Thế nên một khối lượng rất lớn bùn thải sinh hoạt, sau khi tách nước làm khô, hoặc được vận chuyển đến các bãi chôn lấp, phần khác được đem đi đâu, làm gì cơ quan chức năng cũng… không biết.
Đáng báo động hơn, với 11 Khu công nghiệp tập trung và 3 Khu chế xuất, 1 Khu công nghệ cao, 30 cụm công nghệ với khoảng 2.000 nhà máy và 12.000 cơ sở sản xuất, ước tính khối lượng bùn thải công nghiệp nguy hại phát sinh khoảng 300-400m3/ngày. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP thì có một khối lượng lớn bùn thải công nghiệp (cơ quan chức năng chưa thể thống kê được) bị đổ chung với chất thải rắn sinh hoạt hoặc đổ bỏ ở những địa điểm không xác định, gây nguy hại cho môi trường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, bùn thải được đổ vung vãi chủ yếu ở ngoại thành như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, quận 9, Thủ Đức…
Trước sự "đau đầu" vì bùn thải của cơ quan chức năng TP, PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, để quản lý hiệu quả các loại bùn thải, TP cần thực hiện ngay các công việc như: xây dựng quy định quản lý bùn thải; xây dựng chính sách ưu đãi và khuyến khích các hoạt động xử lý và tái chế bùn; kiểm tra, tổ chức, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, xử lý bùn thải… Đặc biệt là phải ứng dụng các công nghệ mới trong việc xử lý bùn thải, việc ứng dụng này cần thực hiện theo hướng tái sử dụng cao nhất để giảm phần nào lượng bùn thải ra ngoài môi trường.