Bài cuối: Trong dòng chảy văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 10/10/2012
Loạt bài đã đăng, dù là có dung lượng "hơn mức bình thường" thì cũng không thể bao gói đầy đủ những gì đang diễn ra, cả mặt tốt và hạn chế trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay. Có những mặt hạn chế chưa được đề cập đến, hoặc là chưa được phân tích đầy đủ, chẳng hạn như cách thức ứng xử của người Hà Nội với môi trường tự nhiên, về đạo đức kinh doanh, ứng xử với di sản văn hóa. Có nhiều cách làm hay, nhiều gương sáng về ứng xử thanh lịch chưa được nêu một cách cụ thể. Những gì đã được phân tích thiên về ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, chưa đề cập đến thái độ đối với bản thân của các cá nhân, mà người xưa gọi là xử kỷ.
Giữ gìn và phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế để văn hóa ứng xử của người Hà Nội ngày càng phù hợp với dòng chảy hiện đại.Ảnh: Nhật Nam
Tuy thế, những gì đã được phản ánh có thể gợi mở một cách nhìn có tính hệ thống về vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, bao gồm cả yêu cầu về một cách tiếp cận phù hợp hơn khi thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống cơ chế chính sách về văn hóa nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng. Nó cho thấy điều gì?
*
* *
Thanh lịch là một phẩm chất thuộc phạm trù văn hóa, được hình thành trong môi trường kinh tế - xã hội cụ thể, vận động biến đổi không ngừng, luôn rõ tính thời đại. Như nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân nhận xét, lối ứng xử truyền thống của người Hà Nội có sự giao thoa với văn hóa phương Tây, từ khi Hà Nội bị thực dân Pháp tạm chiếm. Văn minh phương Tây đã làm thay đổi khá nhiều mặt của đời sống xã hội. Lối sống chuyển hóa cho phù hợp, ít nhiều làm phai nhạt một số giá trị truyền thống. Kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công, tiểu thương tiểu chủ… là nền tảng dần chuyển sang công nghiệp và dịch vụ.
Nếu coi thời kỳ thuộc Pháp là dấu mốc ghi nhận sự biến đổi lớn đầu tiên, thì trong khoảng hơn một thế kỷ qua, có lẽ lối sống người Hà Nội đã có hai bước chuyển quan trọng gắn với thời thuộc địa và giai đoạn đổi mới, hội nhập sâu rộng. Thực chất, đó là sự thay đổi về mặt kinh tế - xã hội mang tính căn bản mà hệ quả tất yếu là sự thay đổi về văn hóa, trong đó văn hóa ứng xử của người Hà Nội chuyển từ chỗ coi trọng xử kỷ đến ưu tiên cung cách ứng xử với cộng đồng xã hội thông qua sự điều tiết của luật pháp. Sự thay đổi thể hiện trong quá trình giao tiếp, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng văn hóa, ứng xử nơi công cộng cũng như trong công sở, trong gia đình và ngoài xã hội. Có cả mặt tốt và sự hạn chế, thậm chí là hệ giá trị mới không dễ gì tiếp cận đúng nếu sự vật, hiện tượng không được giải mã một cách khách quan, khoa học.
Đã có nhiều ý kiến của bạn đọc, từ nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, nhà giáo đến công dân Thủ đô nói chung lên tiếng về sự thay đổi trong cách ứng xử của người Hà Nội. Có người bức xúc về thực trạng, có người muốn tìm nguyên nhân, gợi ý giải pháp. Những ý kiến của bạn đọc đã được chọn đăng trên Báo Hànộimới, có những điều tưởng đã biết, mặc nhiên được coi là quan trọng nhưng trong thực tế chưa được quan tâm một cách đúng mức, nay nói ra khiến ai cũng bất ngờ về tính chính xác, cô đọng và gần gũi. Như "bốn điều người Hà Nội cần biết" mà nhà giáo Nguyễn Hồng Mai đã viết cho Hànộimới, rằng người Hà Nội phải biết sợ, biết nể, biết nhịn và biết ngượng, ai cũng có bốn điều ấy thì Hà Nội đâu còn nhiều sự trớ trêu. Những lý do về sự chậm trễ, sự loay hoay tìm kiếm nguyên nhân, giải pháp, hoàn thiện tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có khi bị "đánh đổ" một cách đơn giản không ngờ.
*
* *
Văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại hẳn nhiên là đã khác trước và cần phải khác trước. Sự thay đổi ấy đặt ra yêu cầu nhìn nhận lại cả về tiêu chí và cung cách thực hiện giải pháp xây dựng người Hà Nội trong giai đoạn mới. Chẳng hạn như việc giáo dục lối sống, nếp sống, văn hóa ứng xử cần có sự đổi mới, hướng đến sự tiếp nhận chủ động, cả trong gia đình và nhà trường, thay vì áp đặt một chiều là sự gợi mở trao đổi, phản biện dựa trên bài học thực tế cuộc sống. Truyền thống bao gồm những điều cụ thể, nếp cũ có cả điều tốt và hủ tục, sự tương tác trong quá trình tuyên truyền, giáo dục sẽ tạo hiệu quả hơn so với cách thường thấy là một phía truyền đạt và phía còn lại chỉ biết lắng nghe.
Có thể nêu ra một số điểm sau:
1- Thanh lịch hiện đại gắn với đời sống văn hóa thị dân hiện đại, phải lấy việc chấp hành luật pháp làm đầu.
2- Muốn người Hà Nội thanh lịch hiện đại thì phải tạo được cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt đáp ứng đời sống văn hóa phong phú.
3- Cần xây dựng tiêu chí văn hóa ứng xử cụ thể, phù hợp với từng lĩnh vực đời sống đô thị, như văn hóa trường học, công sở, giao thông, thương mại, dịch vụ, quảng cáo…
4- Việc triển khai thực hiện hệ giải pháp cho vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần có sự đồng bộ, thiết thực, tránh sự hời hợt và bệnh thành tích.
Yêu cầu đổi mới không cho phép duy trì sự tác động theo lối cũ, đặt ra đòi hỏi về một chính sách phát triển văn hóa mang tầm chiến lược trong giai đoạn mới dựa trên cách tiếp cận khoa học để chính sách đủ sức bao quát, dự báo xu hướng và những vấn đề phát sinh. Cách tiếp cận ấy, nói như PGS.TS Phạm Quang Long là coi Hà Nội như một không gian văn hóa - lịch sử - xã hội - kinh tế được hình thành trong quá trình biến đổi liên tục, có những đặc điểm riêng ở từng giai đoạn và phải dựa vào đó để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.
Nhìn sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với sự vận động tất yếu còn là cơ sở để tránh quan điểm "nhất thành bất biến" về văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại, không bi quan và tránh tư tưởng chủ quan.
Không nên suy diễn chủ quan, phiến diện Hồng Hạnh - Thu Hiền ghi |