Phát triển kinh tế tri thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:27, 10/10/2012
Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu có nền công nghiệp hiện đại, phát triển dựa trên nền tri thức, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới, tạo nên các sản phẩm chất lượng có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước…
Thực tế, có một vấn đề cũng đang được dư luận bàn thảo rất nhiều liên quan đến nền tảng phát triển công nghệ và lợi ích do công nghệ mang lại, đó là câu chuyện về chiếc điện thoại Iphone 5. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn, sức mua giảm sút thì hiện tượng Iphone 5 bị cháy hàng và chỉ sau 3 ngày đầu tiên xuất hiện đã bán được hơn 5 triệu chiếc quả là chuyện khó tin. Chỉ trong 3 ngày, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao này đã tương đương hơn một nửa giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. So với gạo, là mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới, mà 9 tháng chỉ xuất khẩu được có 2,87 tỷ USD, tức chỉ hơn 50% so với giá trị của số Iphone 5 bán ra trong 3 ngày.
Dĩ nhiên, như người ta vẫn nói "mọi sự so sánh đều khập khiễng" và câu chuyện này cũng chẳng nằm trong khuôn khổ địa giới hành chính Hà Nội mà là vấn đề tầm "quốc gia". Nhưng, từ góc độ của một thành phố "trái tim", đầu tàu kinh tế và nhìn từ những mục tiêu Hà Nội đặt ra trong phát triển khoa học công nghệ như trên thì rõ ràng đang có nhiều vấn đề trăn trở.
Trong một báo cáo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố khẳng định, lợi thế từ sở hữu các nguồn lực tài nguyên thô và giá nhân công rẻ, hàm lượng công nghệ thấp của chúng ta đang ngày càng khó bền vững. Thay vào đó, hàm lượng công nghệ cao, kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý mới là những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Thời điểm này, chắc chắn chẳng ai phủ nhận là giai đoạn khó khăn về kinh tế đang thách thức trên toàn cầu. Hà Nội cũng đang trong những thử thách gay gắt. Điểm mặt thì thấy có rất nhiều việc Hà Nội đã làm và làm thành công. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để tồn tại và phát triển lâu dài, bắt buộc Hà Nội phải cạnh tranh bằng các nguồn lực và năng lực cốt lõi, đặc biệt là các nguồn lực tri thức, công nghệ, tài sản trí tuệ.
Có lẽ đã đến lúc phải khẳng định qua rồi cái thời chúng ta tự tin dựa vào lợi thế địa lý và tài nguyên thiên nhiên, hay thậm chí cả lợi thế về nguồn nhân công rẻ. Bởi, như chuyện so sánh chiếc điện thoại Iphone và xuất khẩu gạo đã cho thấy rõ sản phẩm chứa nhiều hàm lượng chất xám sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối. Trong khi phải thừa nhận đang có sự tụt hậu khá sâu về năng lực cạnh tranh công nghệ của Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Tức là, muốn bứt phá thì hơn bao giờ hết Hà Nội phải chú trọng tới việc phát triển kinh tế tri thức, trong đó các yếu tố công nghệ và tài sản trí tuệ đóng vai trò quyết định. Đã có không ít người băn khoăn khi các mục tiêu phát triển sản phẩm công nghệ chủ lực, mũi nhọn của Hà Nội hiện được đặt ra vẫn rất "khiêm tốn". Rõ ràng, với trình độ công nghệ hiện nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục nuôi giấc mơ công nghệ cao là điều đương nhiên.
58 năm sau ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Trước thực tế đầy thách thức và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, trăn trở làm sao có được những sản phẩm đỉnh cao để xuất khẩu thay cho nguyên liệu thô, sản phẩm thủ công dựa chủ yếu vào sức lao động lại càng được đặt ra hơn bao giờ hết. Muốn vậy, trước hết phải giải lại bài toán phát triển công nghệ cao mà chúng ta đang loay hoay trong suốt nhiều năm qua…