Quản lý lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:15, 09/10/2012

Gần 200 tỷ đồng vốn tạm ứng…

Khi nói về dự án cải tại dòng sông Tích, một cựu chiến binh của xã Thuần Mỹ tỏ ra nghi ngờ và bức xúc bày tỏ: Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải xem xét lại năng lực thi công của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh), bởi dự án sông Tích chỉ là một trong những dự án bị công ty này "ngâm, ủ". Ngay tại xã Thuần Mỹ, Công ty Bình Minh cũng có một dự án về khai thác nước khoáng nóng từ năm 2000. Đến nay, sau hơn chục năm trời, dự án vẫn nằm trên giấy, nguồn tài nguyên quý bị thả nổi, dân tự khai thác vô tội vạ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, làm đau đầu chính quyền địa phương. Hay như Báo Hànộimới đã đăng bài "Dự án treo tại xã Trung Châu (Đan Phượng) - 100ha đất nằm không 4 năm" hồi đầu tháng 7 vừa qua, cũng là dự án của Công ty Bình Minh. Vì vậy, càng ngày người dân xã Thuần Mỹ càng thấy lo lắng cho số phận dự án sông Tích.

Có kinh phí rồi, nhưng công trường vẫn “án binh bất động” nhiều ngày.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy lo lắng của người dân không phải là không có cơ sở bởi việc sử dụng vốn tạm ứng của công ty này có nhiều điểm khuất tất, khó hiểu. Trong năm 2011, Công ty Bình Minh được Kho bạc Nhà nước Tây Hồ, Ban QLDA sông Tích chuyển tiền vốn tạm ứng 45 tỷ đồng cho gói thầu 12a, 173 tỷ đồng cho gói thầu 12b. Như vậy, Công ty Bình Minh đã được tạm ứng tổng số tiền 218 tỷ đồng. Tuy nhiên, 16 tháng đã trôi qua, khối lượng công việc mới đạt khoảng 19 tỷ đồng? Vậy số tiền vốn tạm ứng đã được sử dụng vào việc gì? Theo giải trình sử dụng vốn của Công ty Bình Minh do PV Báo Hànộimới thu thập được, thì trong tổng số vốn 218 tỷ đồng (chuyển cho nhà thầu để thực hiện thi công xây lắp phần thủy công cụm công trình đầu mối và các công trình thủy lợi, giao thông, các hạng mục công trình khác thuộc đoạn 1 của dự án) đã được Công ty Bình Minh sử dụng tới 113,8 tỷ đồng để mua… máy móc, thiết bị (!). Trong đó: 88,814 tỷ đồng mua máy xúc đào thủy lực các loại (Hợp đồng số 153/2011/HĐ-KVN/BINHMINH), 2,39 tỷ đồng mua máy lốc tôn, máy chấn tôn, máy xén tôn (Hợp đồng số 69/2012/HĐMB-TAT), 2,098 tỷ đồng lắp đặt trạm trộn bê tông công suất 60m3/h (Hợp đồng số B01/2012/HĐKT/CIE-BM) và 20,5 tỷ đồng mua xăng, dầu diezel (Hợp đồng số KH/160/2012)…

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Ban QLDA sông Tích cho biết: "Đối với số vốn tạm ứng, đơn vị thi công chỉ được sử dụng để mua vật tư: cát, đá, sỏi, xi măng, sắt, thép cừ… Riêng về số lượng máy móc, thiết bị, nhà thầu phải tự bảo đảm trong quá trình thi công". Như vậy, có thể thấy, 113,8 tỷ đồng tiền ngân sách đã được Công ty Bình Minh (theo giải trình của công ty) đã bị sử dụng sai mục đích. Một câu hỏi được đặt ra: Công ty Bình Minh báo cáo sai việc sử dụng tiền tạm ứng mua thiết bị, máy móc để nhằm dùng tiền ngân sách vào việc khác, hay nhà thầu không đủ năng lực thi công công trình? Trách nhiệm của Ban Quản lý dự án sông Tích đến đâu trước việc hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách bị thả nổi? Những vấn đề này rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ để giải tỏa nỗi bức xúc của nhân dân. Tiếc rằng khi làm việc với PV Hànộimới, lãnh đạo Ban Quản lý dự án sông Tích tỏ ra né tránh không trả lời vấn đề liên quan đến tài chính và một mực đổ lỗi cho việc tiến độ thi công quá chậm là do công tác GPMB (!).

Hợp đồng mua máy móc, thiết bị và công văn “ứng kinh phí” phục vụ GPMB của Công ty Bình Minh.

… khó lý giải và thu hồi (?)

Việc sử dụng vốn tạm ứng của nhà thầu ra sao vẫn chưa rõ ràng, thì lại xuất hiện thêm một vấn đề khó hiểu: Tại Công văn số 341/CV-CTBM ngày 13-12-2011 của Công ty Bình Minh thể hiện: "Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công các hạng mục của gói thầu trong trường hợp dự án chưa được thành phố bố trí kinh phí cho công tác GPMB. Theo đề nghị của Ban Quản lý dự án, công ty cam kết tạm ứng phần kinh phí xây lắp đã được tạm ứng hợp đồng cho Ban Quản lý dự án chi phục vụ GPMB của gói thầu và không tính lãi…". Trong Thông tư số 86/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước, không có nội dung nào quy định việc chủ đầu tư và nhà thầu "tạm ứng" kinh phí xây lắp cho công tác GPMB. Vậy theo nội dung Công văn 341/CV-CTBM của Công ty Bình Minh, phải chăng Ban QLDA sông Tích "vẽ đường" cho nhà thầu sử dụng tiền của gói thầu số 12b một cách tùy tiện?

Theo công văn số 557/STC-ĐT ngày 9-2-2012 của Sở Tài chính về việc phân bổ kế hoạch và thanh toán vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, tại mục 3 thể hiện rõ: "… Trường hợp vốn tạm ứng được sử dụng không đúng mục đích hoặc nhà thầu không thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ, chủ đầu tư thực hiện các chế tài theo quy định hiện hành…". Hai gói thầu 12a, 12b bao gồm toàn bộ phần thi công xây lắp các công trình thủy lợi, giao thông cụm công trình đầu mối với các hạng mục: cống Thuần Mỹ, kênh thượng và hạ lưu cống, kè bảo vệ bờ hữu sông Đà, cửa phai phòng lũ tại K0+200 đê hữu Đà, trạm bơm Cẩm Yên; sông và các công trình trên sông gồm: đào mới 12km, nạo vét 15,6km, đắp đường quản lý hai bên bờ tả hữu sông, xây dựng cống điều tiết Đầm Long; xây dựng và cải tạo 20 cầu qua sông, 64 cống tưới tiêu, 8 trạm bơm… Tính thời gian thực hiện dự án, gói thầu 12a, 12b đã "đi" được nửa chặng đường, trong khi khối lượng công trình thi công quá ít ỏi, chưa đạt 10%... Vậy gần 200 tỷ đồng vốn tạm ứng chưa giải ngân hết của năm 2011 có được thu hồi?

Được biết, nguồn vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích là 1.331 tỷ đồng. Riêng năm 2011, nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã đầu tư cho dự án 255 tỷ đồng. Theo bản kế hoạch chi tiết tiến độ triển khai các công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 1948/QĐ-UBND ngày 10-5-2012 của UBND TP Hà Nội), nhu cầu vốn giai đoạn I của dự án sông Tích năm 2012 là 370 tỷ đồng, năm 2013 là 1.000 tỷ đồng, năm 2014 là 1.000 tỷ đồng, năm 2015 là 1.135 tỷ đồng. Được biết tháng 5-2012, UBND TP Hà Nội tiếp tục xin Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội hỗ trợ kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu. Dư luận băn khoăn rằng, trong khi tiền vốn tạm ứng của năm 2011 chưa có đủ năng lực tiêu hết, hàng nghìn tỷ đồng tiếp tục đổ vào dự án liệu có quá vội vàng?

Dự án sẽ tiến triển như thế nào? Những khuất tất trong việc sử dụng hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước ra sao? - Dư luận đang chờ các cơ quan chức năng làm rõ. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Nhóm PV Điều tra