Bước ngoặt của thỏa thuận Mỹ - Hàn
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 08/10/2012
Theo đó, tên lửa của Seoul nhằm chống lại những đe dọa an ninh được nâng tầm bắn từ phạm vi 300km lên tới 800km, trong khi vẫn phải giới hạn trọng lượng của đầu đạn là khoảng 500kg. Sự kiện vươn xa tầm bắn của hệ thống tên lửa đạn đạo lên gấp gần 3 lần cũng đồng nghĩa với việc tên lửa Hàn Quốc có thể chạm tới bất cứ điểm nào trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên nếu xảy ra chiến tranh.
Hai loại tên lửa hành trình vừa được Hàn Quốc công bố có tầm bắn từ 300km đến 1.000km.
Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc và Mỹ trao đổi về mở rộng tầm bắn tên lửa đạn đạo của xứ Kim chi. Theo thỏa thuận ký kết năm 1979, được sửa đổi vào năm 2001 giữa hai đồng minh, tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc bị giới hạn ở mức 300km với trọng lượng đầu đạn tối đa 500kg. Bên cạnh thỏa thuận song phương với Washington, Seoul còn là một trong 34 bên tham gia ký kết Hiệp ước Chế độ công nghệ tên lửa nhằm hạn chế phổ biến đầu đạn hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo đó, tên lửa Hàn Quốc cũng bị giới hạn tầm bắn dưới 300km và không được mang quá 500kg thuốc nổ. Tuy nhiên, với lý do cho rằng, Triều Tiên có khoảng 1.000 tên lửa các loại và phần lớn trong số này nhằm vào thủ đô Seoul và những địa điểm khác của Hàn Quốc, Seoul đã hối thúc Washington sửa đổi văn kiện này để Hàn Quốc có thể sản xuất tên lửa có tầm bắn xa hơn.
Tháng 1-2011 Hàn Quốc bắt đầu vận động Mỹ về nâng tầm bắn tên lửa lên 1.000km và tăng lượng thuốc nổ của đầu đạn đạt ngưỡng 1 tấn. Nhưng, Washington viện dẫn việc Bắc Kinh và Tokyo phản đối để thuyết phục Seoul giữ nguyên các "mức trần" vốn có nhằm tránh tranh cãi về vũ khí trong khu vực. Song, không vì thế mà Hàn Quốc từ bỏ nỗ lực thuyết phục đồng minh bên kia Thái Bình Dương rằng, Seoul cần có đủ khả năng để ứng phó hiệu quả với một cuộc tấn công tên lửa trong khu vực. Trước những thách thức an ninh ngày một gia tăng ở khu vực, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa hồi tháng 4-2012 với tầm bắn trên 400km, nhu cầu nâng tầm bắn tên lửa của Seoul đã trở nên cấp thiết.
Cùng sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, thỏa thuận Mỹ - Hàn Quốc vừa đạt được không chỉ khẳng định sự mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mà còn làm sáng tỏ hệ thống quốc phòng của Hàn Quốc là một mắt xích không thể thiếu trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Washington tại khu vực này. Tháng 4 vừa qua Seoul cho ra mắt một loại tên lửa hành trình Hyunmu-3 với tầm bắn 1.000km. Quân đội Hàn Quốc cũng có kế hoạch tăng thêm số lượng tên lửa Hyunmu-3 và tên lửa đạn đạo Hyunmu-2 có tầm bắn 300km. Không dừng lại ở đó, mới đây Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thông qua kế hoạch 5 năm về việc chi 2.700 tỷ won (2,3 tỷ USD) mua hàng trăm tên lửa đạn đạo chế tạo trong nước và các loại vũ khí khác để đối phó với những thách thức quân sự trong khu vực mà Seoul tin là có thật. Mặc dù còn phải được Quốc hội thông qua, nhưng việc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề xuất khoản ngân sách kỷ lục này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Dù chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào sau thỏa thuận bước ngoặt Mỹ - Hàn Quốc về tầm bắn mới của tên lửa đạn đạo nhưng động thái "phòng thủ" của Hàn Quốc cũng đã làm dấy lên mối quan ngại trong khu vực. Trung Quốc đã từng lên tiếng phản đối khi cho rằng, đây là hành động nằm trong chiến lược Mỹ dùng đồng minh để kiềm chế Bắc Kinh. Tokyo cũng đã chuyển lời phản đối đến Washington về việc "nâng cấp" tên lửa của Seoul do lo ngại một phần lãnh thổ Nhật Bản sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa xứ Hàn, nhất là khi quan hệ hai bên đang căng thẳng vì tranh chấp nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Dẫu vậy, cả Bắc Kinh lẫn Tokyo khó có thể ngăn được Seoul nâng tầm bắn tên lửa trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đều có khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong bối cảnh như vậy, một cuộc khẩu chiến mới, hay xa hơn là một cuộc chạy đua vũ trang có thể trong khu vực Đông Bắc Á. Đây là điều dư luận đang hết sức quan tâm.