Mang phở Hà Nội về miệt vườn

Xã hội - Ngày đăng : 05:13, 07/10/2012

(HNM)- Giữa miệt vườn Nam bộ, nơi có khẩu vị cũng như cung cách sinh hoạt hoàn toàn khác biệt với miền Bắc, có một người đã giúp phở Hà Nội trở thành món ăn


Quán phở Hà Nội hiếm hoi tại TP Bạc Liêu.


Trong chuyến công tác ở TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), tình cờ bắt gặp tấm biển "Phở Hà Nội" khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tay thoăn thoắt thái những lát thịt bò mỏng tang, chủ quán - anh Đặng Kim Tuyến (quê gốc Hà Nội) hồ hởi cho hay, cách đây khoảng 8 năm, anh đã quyết định chọn Bạc Liêu là nơi khởi nghiệp cho món phở gia truyền của gia đình.

"Vạn sự khởi đầu nan", huống hồ từ khẩu vị cho tới cách ăn uống của người miền Tây hoàn toàn khác miền Bắc, thế nên ban đầu cái sự làm ăn của gia đình anh Tuyến càng khó gấp bội. Quán xá thì tạm bợ, nhỏ hẹp, lắm bữa chỉ có bạn bè đến ăn ủng hộ. Nhiều hôm ế khách, phải đổ bỏ cả nồi nước dùng. "Đây là món phở gia truyền, nhưng hiện tại ở ngoài quê nhà tôi không còn ai bán nữa, phần vì các cụ đã già, hơn nữa buôn bán cũng khó khăn nên con cháu không muốn theo nghề. Nhiều hôm nghĩ mình đem cái món phương Bắc về xứ này thì trụ sao nổi. Nhiều lúc đã tính bỏ nghề!". Để vượt qua gian khó ban đầu, hai vợ chồng phải xoay xở, buôn bán đủ nghề để "nuôi" gánh phở, quyết thực hiện bằng được ước mơ gây dựng quán phở Hà Nội gia truyền ở xứ "công tử Bạc Liêu"…

Sự kiên trì đã giúp quán dần đông khách. Hiện mỗi ngày có khoảng 200 - 300 người đến thưởng thức, trong đó có khoảng 70% là người Nam theo như "thống kê" của anh Tuyến. Lúc đầu chỉ có hai vợ chồng, nay thuê tới 5 người giúp việc. Gánh phở nhỏ hẹp ngày nào đã được mở rộng tới 480m2. Mặc dù đã có người phụ giúp nhưng đích thân anh Tuyến ngày nào cũng dậy từ 4h sáng để chuẩn bị nước dùng, kiểm tra, nêm gia vị. Anh Tuyến cho hay: "Phần lớn mọi thứ nguyên liệu, từ bánh phở đến các loại gia vị đều được đặt mua ngoài Bắc". Điều thú vị là ở đây, thực khách có thể thưởng thức chén trà Bắc sóng sánh và hút vài điếu thuốc lào - vốn là "của hiếm" ở các tỉnh phía Nam - từ chiếc điếu cày mộc mạc luôn bày sẵn.

Anh Trần Văn Dũng (Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết, do lúc đầu chỉ ăn thử cho biết, sau vài lần thấy ngon liền đưa cả gia đình đến thưởng thức "miếng ngon Hà Nội", ai ngờ cả nhà "ghiền" lúc nào không hay, một tuần không ăn 2-3 bữa là thấy nhớ, thấy thèm. Còn với những người Hà Nội sinh sống ở miền sông nước này như gia đình anh Phạm Hải Đăng thì quán "Phở Hà Nội" còn là nơi trải lòng cho đỡ nhớ quê hương: "Vào đây từ năm 1975, ăn uống, sinh hoạt cũng phần nào thay đổi, nhưng từ ngày có quán phở gia truyền Hà Nội này, hằng tuần tôi đều đưa vợ con đến ăn, để các cháu không quên hương vị quê nhà và luôn nhớ về cội nguồn của mình!".

Đỗ Vượng