”Bó tay” trong thi hành án lừa đảo?
Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 06/10/2012
Gần đây nhất, trong các tháng 6, 7, 8, TAND TP Hà Nội và các đơn vị trực thuộc đã đưa ra xét xử khá nhiều vụ án liên quan đến loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có bị cáo chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng của những người nhẹ dạ cả tin dưới các hình thức khác nhau. Nhiều nhất là vay tiền để kinh doanh với lãi suất cao và hứa đưa đi xuất khẩu lao động tại Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản với kinh phí 3.000-5.000 USD/trường hợp… Đến khi nhận được tiền của nạn nhân, kẻ lừa đảo lập tức cao chạy xa bay. Thế nhưng từ khi những kẻ lừa đảo bị bắt cho tới lúc ra tòa, các nạn nhân chỉ biết "kêu trời" vì những kẻ đưa họ vào tròng đều biết thừa mức án dành cho chúng đều rất cao (từ 15 năm đến chung thân), nên 90% số tài sản kiếm được chúng đều đã "chuyển giao" bằng mọi cách với phương châm "hy sinh đời bố, củng cố đời con".
Do đó, dù bản án tòa tuyên là phải trả tiền đủ cả lãi và gốc cho nạn nhân, nhưng THA thế nào là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ngay cả khi đối tượng lừa đảo ra tù, lại làm ăn phát đạt, cứ có khoản nào là gửi ngân hàng thì việc phát hiện, khống chế cũng không dễ. Bởi lẽ dù luật đã quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong công tác phối hợp THADS, tuy nhiên, không có chế tài kiểm kê kèm theo khiến hiệu quả không cao. Hầu hết các nhà băng đều có ý thức bảo vệ quyền lợi của khách hàng, duy trì nguồn tiền gửi ổn định nên việc tự nguyện phối hợp cung cấp số dư tài khoản cũng như thực hiện các quyết định của chấp hành viên cơ quan THADS rất hạn chế. Do đó, không ít trường hợp, dù biết rõ người phải THA có tiền nhưng chấp hành viên cũng không thể làm gì được.
Đã đến lúc phải xây dựng quy chế phối hợp cụ thể giữa cơ quan THADS với các tổ chức tín dụng theo hướng phải thực hiện đầy đủ yêu cầu của chấp hành viên. Bởi xét cho cùng, trách nhiệm chính của chấp hành viên và cơ quan THADS là buộc người phải THA thực hiện nghĩa vụ của mình. Với những người đang ở tù hoặc vừa được tái hòa nhập cộng đồng, có thu nhập thấp hay cao cũng cần nghiên cứu việc quản lý lương trong quá trình lao động, sản xuất tại trại giam và địa phương theo hướng phải trích phần lớn để THA.