Bài cuối: Phải đặt lợi ích của dân lên hàng đầu

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:57, 06/10/2012

(HNM) - Tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII với chuyên đề "Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị" diễn ra trong hai ngày 4 và 5-10, cử tri và đại biểu HĐND kiến nghị TP phải ấn định thời hạn cụ thể cho các dự án còn "bất động"; phải điều chỉnh quy hoạch đối với những dự án thiếu khả thi để người dân ổn định cuộc sống.

Một ngôi nhà đang xây dở dang bị buộc ngưng tại dự án "treo" Thanh Đa - Bình Quới.

"Mổ xẻ" nguyên nhân "treo"

Trả lời chất vấn, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP cho rằng, mấu chốt lớn nhất của tình trạng dự án "treo" là do khó khăn trong đền bù giải tỏa. Cụ thể, đối với trường hợp chấp thuận địa điểm đầu tư dự án, UBND TP quy định, trong 12 tháng kể từ ngày có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, nếu chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục để được giao đất, cho thuê đất thì văn bản đương nhiên hết hiệu lực. Tuy nhiên, vì vướng giá đền bù nên nhiều chủ đầu tư xin gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Còn ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP lại cho rằng, hạn chế của quy hoạch hiện nay là nhiều đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chưa xác định được kế hoạch, lộ trình đầu tư, nguồn lực thực hiện… Đây chính là nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện dự án, biến quy hoạch phát triển thành "quy hoạch treo".

Chưa đồng tình với nhận định của đại diện các cơ quan chức năng, đại biểu Trần Hữu Trí thẳng thắn chỉ ra bản chất sâu xa của dự án "treo" là nằm ở công tác bồi thường. Còn theo Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh thì việc áp dụng chính sách giá bồi thường không đồng nhất đã dẫn đến sự so bì, khiếu nại, gây bức xúc đối với người có đất bị thu hồi và làm cho các dự án chậm trễ.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín thừa nhận, hiện trên địa bàn còn 1/3 đồ án quy hoạch 1/2000 chưa được phủ kín khiến người dân sống trong những khu vực này hoang mang. Ông Nguyễn Hữu Tín khẳng định, TP đang rất quyết tâm trong việc quản lý quy hoạch, điều này thể hiện rõ qua 3 giải pháp cụ thể: Từ nay đến cuối năm, phải hoàn thành việc rà soát lại toàn bộ các dự án, trường hợp chủ đầu tư đã tiến hành đền bù 100% mà dự án vẫn "bất động" phải xem xét vì sao không triển khai được, lỗi này là do thủ tục hành chính bất cập hay vì một lý do nào khác, để chỉ đạo hoặc tách riêng dự án đó ra trên tinh thần thúc đẩy triển khai nhanh. Đối với những dự án đã thỏa thuận được giá đền bù hoặc đang tiến hành đền bù nhưng kéo dài, để tạo điều kiện tiếp tục dự án thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện nghiêm các quy định về thời gian và thời hạn tối đa không quá 12 tháng. Đối với những dự án không thể thỏa thuận được giá đền bù, TP sẽ xem xét hủy bỏ giấy chứng nhận thỏa thuận địa điểm và giao cho Sở Xây dựng tiến hành thực hiện các bước theo đúng Nghị định 71 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng cho biết, TP đã giao cho Giám đốc Sở quy hoạch - Kiến trúc và chủ tịch 24 quận, huyện chậm nhất ngày 30-9-2013 phải "phủ kín" các đồ án quy hoạch chi tiết trên toàn thành phố để tạo cơ sở pháp lý cho người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời cũng tạo điều kiện trong đầu tư, xây dựng và phát triển của TP; khẩn trương dự thảo chỉ thị của UBND TP về lập các quy hoạch đô thị với các nội dung cụ thể như phân công nhiệm vụ, đồ án quy hoạch nào phải thực hiện, ai chịu trách nhiệm, tiến độ ra sao… Dự thảo này phải đề xuất chế tài xử lý thật cụ thể đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ tịch quận, huyện, đơn vị tư vấn do chậm trễ trong việc thực hiện quy hoạch. Đồng thời, soạn quy chế phối hợp và nội dung hướng dẫn về quy trình thực hiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (cách làm, thời gian…), chậm nhất là ngày 31-12-2012 trình UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Quy hoạch phải tính đến nguồn lực

"Quy hoạch kém hiệu quả, không khả thi, không sát với thực tế là do những người làm quy hoạch thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế, xây dựng đô thị hiện đại. Cho nên phải bắt đầu từ năng lực con người. Có thể đưa họ sang nước ngoài học tập hoặc thuê chuyên gia nước ngoài để tư vấn cho họ" - PGS,TS Trần Văn Thiện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực (thuộc ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) lý giải và hiến kế.

Trong phiên thảo luận chiều ngày 4-10, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí với tầm vóc, tầm nhìn của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025. Tuy nhiên, một số đại biểu hoài nghi về nguồn lực để biến những quy hoạch hoành tráng trở thành hiện thực. Đại biểu Lâm Thiếu Quân nhận định: "Các dự án quy hoạch không triển khai được là do duy ý chí, vì muốn thì nhiều nhưng nguồn lực không đủ. Chẳng hạn lên kế hoạch đến năm 2025 thành phố đạt GDP 5.000USD/người, nếu không đạt thì lấy nguồn lực đâu ra mà làm? Quy hoạch không nói rõ nguồn lực, tiến độ thì giống như vẽ một ngôi nhà rất đẹp nhưng sờ đến ví thì không đủ tiền".

Trong công tác chọn chủ đầu tư, nhiều đại biểu cũng cho rằng, có chủ đầu tư vì lợi nhuận cá nhân mà bỏ qua lợi ích chung của dự án. Thực tế cho thấy, đã có không ít chủ đầu tư "bỏ của chạy lấy người", ví dụ như dự án quy hoạch khu dân cư tại phường 13, quận Bình Thạnh. Vì vậy, trong các dự án quy hoạch phải xét năng lực thực thi của đơn vị được giao thầu để tránh kéo dài thời gian, tránh việc mua bán thầu, đặc biệt khâu thỏa thuận đền bù cần có tổ kiểm tra giám sát để bảo đảm tính dân chủ, giảm khiếu kiện. Bàn về giải pháp ràng buộc, tránh trường hợp chủ đầu tư rút lui khỏi dự án, hầu hết các đại biểu đều ủng hộ cơ chế yêu cầu chủ đầu tư phải ký quỹ khi thực hiện dự án, phòng trường hợp chủ đầu tư "bỏ chạy" sẽ sử dụng quỹ này để hỗ trợ người dân nằm trong vùng dự án. Đại biểu Lâm Đình Chiến khẳng định: "Điều kiện ràng buộc chủ đầu tư phải có, trong đó cơ chế ký quỹ là khả thi, mặc dù chưa có luật nhưng TP vẫn có thể vận dụng được". Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP kiến nghị: "UBND TP cần rà soát lại tất cả đồ án quy hoạch đã lập trước đây trên địa bàn về nội dung và chất lượng, nhất là các đồ án quy hoạch được lập trong điều kiện chưa có luật, chưa có kinh nghiệm; quy hoạch nào không còn giá trị thực tế thì nhanh chóng điều chỉnh, trả lại chức năng ban đầu của nó".

Bên lề kỳ họp, trả lời phỏng vấn của Báo Hànộimới, đại biểu Lâm Đình Chiến trăn trở: "Người dân bị thiệt hại nhiều lắm trong các dự án "treo", nhưng trong hai ngày làm việc vừa qua tôi không thấy dự án nào bị thu hồi cả và cũng không thấy dự án nào được ấn định thời gian tiến hành. Cách trả lời cũng như biện pháp giải quyết của các cơ quan chức năng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể".

Khắc Dân - Hà Tuấn