Khúc ngoặt nguy hiểm
Thế giới - Ngày đăng : 05:53, 06/10/2012
Đó là căng thẳng mới trong quan hệ Syria với quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong một động thái mới, một ngày sau khi 5 người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một vụ nã pháo từ Syria, ngày 4-10, các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã họp khẩn cấp và bỏ phiếu thông qua dự luật của chính phủ nhằm triển khai hoạt động quân sự sang bên kia biên giới. Đây là cú "bật đèn xanh" đầy bất lợi với Damacus khi cuộc khủng hoảng chính trị ở trong nước chưa được khai thông.
Thủ đô Damacus đã trở thành chiến trường đổ nát. |
Theo quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thì "hành động gây hấn" của quân đội Syria đã trở thành mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Ankara cũng đồng thời yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) có "hành động cần thiết" để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Cổ xúy cho hành động trả đũa bằng pháo kích sang lãnh thổ Syria, ngày 4-10, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "thích đáng và tương xứng". Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Susan Rice còn nhấn mạnh, HĐBA cần có phản ứng mạnh mẽ về vụ việc này. Trước đó, tối 3-10, NATO cũng đã họp khẩn và đề nghị Syria chấm dứt ngay lập tức "các hành động xâm lược" đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Các đại sứ của NATO còn nêu rõ, "hành động xâm lược" của Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, là một "mối nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng" với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ...
Trong khi đó, ngay sau vụ pháo kích, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc (LHQ), ông Bashar Ja'afari (ngày 4-10) khẳng định, Damacus đang điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ pháo kích sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời gửi lời chia buồn đến thân nhân những người thiệt mạng. Đại sứ Ja'afari nhấn mạnh, Chính phủ Syria không muốn leo thang căng thẳng với bất kỳ quốc gia láng giềng nào, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chính phủ các nước láng giềng của Syria, thể hiện trách nhiệm và giúp Damacus chống lại những hành động khủng bố và các nhóm vũ trang đang xâm nhập vào Syria qua biên giới với các nước láng giềng. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lập trường, quan điểm rõ ràng về vụ việc khi ngày 4-10, các nước ủy viên HĐBA LHQ đã nhất trí ra tuyên bố chung lên án vụ nã pháo của quân đội Syria vào một thị trấn của Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi cả Ancara lẫn Damacus kiềm chế tránh để căng thẳng leo thang.
Tuy nhiên, vụ pháo kích của Syria đã kịp trao cho Mỹ cùng đồng minh Châu Âu và đặc biệt là NATO một cơ hội "nguy hiểm". Đó là sự can thiệp quân sự có thể từ bên ngoài vào lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, tại Syria giao tranh giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng chống đối vũ trang tiếp tục diễn ra ác liệt trên khắp cả nước, đặc biệt tại điểm nóng Aleppo. Chỉ trong một ngày đã có hàng loạt vụ nổ ở trung tâm thành phố phía bắc này khiến gần 50 người thiệt mạng. Theo thống kê, riêng trong ngày 4-10, trên toàn lãnh thổ Syria, xung đột đã cướp đi cuộc sống của ít nhất 123 người. LHQ ước tính, hơn 31.000 người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng chống đối chính quyền nổ ra tại Syria hồi tháng 3-2011.
Trong chưa ấm, ngoài cũng chưa êm, cộng với, sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cường quốc bên ngoài cho lực lượng đối lập. Đó là cơ sở để có thể đưa ra dự báo rằng cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ còn "tuột dốc" thêm với những biến cố khó lường.