”Thương hiệu” cần sớm nhân rộng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:57, 05/10/2012
Thực ra, với đông đảo người dân Thủ đô, hình ảnh các tổ công tác Y141 đã trở nên quen thuộc từ hơn một năm qua. Thành lập theo Kế hoạch 141 của Công an TP, ban đầu có 5 tổ, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của 3 lực lượng (cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự và cảnh sát cơ động), bằng biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát hành chính ở địa bàn công cộng, sau một năm hoạt động, 5 tổ Y141 đã lập nhiều thành tích xuất sắc: Kiểm tra, xử lý 22.708 trường hợp; tạm giữ 13.838 phương tiện, thu giữ 1.723 tang vật các loại gồm súng quân dụng, công cụ hỗ trợ, bình xịt hơi cay, khóa số 8, dao kiếm các loại, vam phá khóa… và hơn 1kg ma túy các loại gồm heroin, cần sa, ma túy đá… Những chiến công của lực lượng 141 đã tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội; củng cố niềm tin và sự bình yên cho nhân dân Thủ đô. Tình trạng đối tượng càn quấy, manh động, mang theo vũ khí nguy hiểm di động trên địa bàn Thủ đô giảm rõ rệt.
Lãnh đạo Bộ Công an đã từng nhận định: "Có thêm lực lượng này, Tết Nhâm Thìn vừa qua trên địa bàn Hà Nội không xảy ra đua xe trái phép, không có tiếng pháo nổ. Người dân đón một cái Tết yên vui...". Có thể nói đó là sự đánh giá khách quan, chân thực đối với những thành tích đã làm nên "thương hiệu 141".
Và rồi, khi đã khẳng định tác dụng hữu ích, "thương hiệu" ấy rất cần được nhân rộng, nhằm lan tỏa sức mạnh liên kết của các lực lượng công an Thủ đô tới từng ngõ, xóm… Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn: Liệu các tổ Y141 có làm "thay việc" của công an các quận, huyện, phường, xã, dân phòng, tạo sức ì, tâm lý ỷ lại, thậm chí "bỏ trống" địa bàn ở các lực lượng này? Thực tế cho thấy, không thể chỉ dựa vào các tổ Y141, bởi đó là giải pháp tình thế, trong một thời điểm nhất định, mà phải phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, kiên quyết đấu tranh với tội phạm của từng cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an, đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Đó mới thực sự là giải pháp lâu dài giúp công tác bảo đảm ANTT, phòng chống tội phạm đạt hiệu quả bền vững.
Từ những thành công bước đầu của các tổ Y141 Công an Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu công an một số tỉnh, thành phố nghiên cứu, áp dụng mô hình 141 trong công tác bảo đảm ANTT của địa phương mình.
Thế nhưng, theo Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm: Tình hình tội phạm có tổ chức, hoạt động "đâm thuê chém mướn", đòi nợ thuê, trộm cướp có sử dụng "vũ khí nóng", chống người thi hành công vụ, giết người… có chiều hướng gia tăng, trong khi công tác phòng ngừa, trấn áp tội phạm chưa thực sự hiệu quả. Thực trạng trên không khỏi khiến dư luận lo lắng và mong mỏi: Nên chăng các thành phố, khu đô thị lớn trên toàn quốc cần nghiên cứu kinh nghiệm 141 của Hà Nội, sớm thành lập một lực lượng chuyên trách, có thực lực đủ mạnh để ngăn chặn tội phạm từ lúc mới manh nha, góp phần làm chuyển biến rõ nét công tác bảo đảm ANTT, giữ vững an ninh Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.