Lấy đất “chuyển đổi cơ cấu” ra nung gạch
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:56, 04/10/2012
Lò gạch trên đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn chưa được chủ dự án tháo dỡ.
Năm 2004, 67 hộ dân cụm 5 có ruộng canh tác ở xứ đồng Lải Cát, xã Ngọc Tảo đã cho ông Nguyễn Văn Sinh thuê hơn 28.000m2 ruộng quỹ I để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo sự phê duyệt của cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ. Sau đó, ông Sinh được UBND xã Ngọc Tảo cho thuê 13.000m2 đất công ích và ông còn tự ý sử dụng hơn 26.000m2 đất quỹ II, đưa tổng diện tích đất khai thác lên hơn 67.000m2. Lợi dụng việc UBND huyện Phúc Thọ cho phép tận dụng đất dư thừa khi cải tạo mặt bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sản xuất gạch, ông Sinh đã "bán" toàn bộ diện tích nói trên cho người khác để hưởng chênh lệch. Mặc dù UBND huyện chỉ cho phép khai thác đất sâu 2m so với mặt ruộng liền kề và làm đến đâu phải trả lại mặt bằng sản xuất nông nghiệp đến đó, nhưng sau khi "bán" cho người khác, ông Sinh tự cho phép họ được hạ độ sâu mặt ruộng đến 4m. Vì vậy, đến nay, toàn bộ diện tích đất canh tác của 67 hộ dân và đất quỹ II khu vực này đã trở thành vô số "thùng đấu", sâu 4-6m, đồng thời "mọc" lên 12 lò gạch.
Sau một thời gian dài đất bị khoét làm gạch mà không thấy dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực hiện nên người dân đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc và UBND huyện Phúc Thọ đã tiến hành thanh, kiểm tra. Nhiều sai phạm, thiếu sót của UBND xã và một số ban, ngành chức năng của huyện đã được làm rõ tại Kết luận 973/KL-UBND ngày 31-12-2009, song việc sản xuất gạch vẫn không bị đình chỉ. Đến ngày 21-9-2011, UBND huyện Phúc Thọ ban hành Quyết định 2960/QĐ-UBND yêu cầu chủ dự án đình chỉ sản xuất; giao UBND xã Ngọc Tảo đôn đốc chủ dự án san ủi, hoàn trả mặt bằng, thời gian hoàn thành trước ngày 31-12-2011.
Sau khi Quyết định 2960 ban hành, việc sản xuất gạch đã được đình chỉ, tuy nhiên việc san lấp hoàn trả mặt bằng sản xuất nông nghiệp cho bà con đến nay vẫn chưa thực hiện. UBND xã đã nhiều lần tổ chức họp dân cùng chủ dự án nhưng các bên không thống nhất được với nhau. Hiện tại, toàn bộ lều lán, vỏ lò gạch chủ dự án vẫn không tháo dỡ và trong cuộc họp ngày 19-9-2012, chủ dự án vẫn đề nghị "cho đun đốt nốt số gạch mộc đã xếp trong lò và được bán lấy tiền để san lấp trả lại mặt bằng". Trước đòi hỏi vô lý của chủ dự án, một số người dân ở cụm 5 bất bình: Từ trước đến nay, chúng tôi đã đề nghị nhiều nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo nên vi phạm mới kéo dài và nghiêm trọng như vậy.
Để xảy ra sự việc phức tạp như trên là do chính quyền xã Ngọc Tảo, các cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát khiến dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng bị biến tướng. Nếu không có giải pháp quyết liệt buộc chủ dự án thực hiện cam kết và thực hiện nghĩa vụ, việc hoàn trả diện tích cho người dân Ngọc Tảo canh tác khó có thể thực hiện được.