Cử nhân khối kỹ thuật: Kiếm "đầu ra" không dễ!

Giáo dục - Ngày đăng : 06:48, 04/10/2012

(HNM) - Có một nỗi băn khoăn mà nhiều tân cử nhân, đặc biệt là những sinh viên tốt nghiệp khối kỹ thuật là đầu vào chất lượng cao, khổ luyện học tập suốt 4-5 năm nhưng đầu ra để tìm được việc làm thực sự gian nan.


Cần có những giải pháp để tìm đầu ra cho các cử nhân ngành kỹ thuật. Ảnh:Khánh Nguyên

Mới đây, mạng việc làm và tuyển dụng Vietnamworks.com tổ chức lấy ý kiến của 3.000 sinh viên năm cuối khối kỹ thuật về nguyện vọng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Đa số sinh viên tỏ ra lo lắng vì để tìm được một việc làm ổn định, lương cao không hề dễ. Các chuyên gia về việc làm thuộc những tập đoàn tuyển dụng lớn ở Việt Nam cho biết, thực tế các kỹ sư bây giờ tìm việc rất khó khăn. Bởi đa số các doanh nghiệp cần tuyển dụng người lao động làm việc cho khối kinh tế. Có rất ít doanh nghiệp tuyển dụng lao động khối kỹ thuật, nhưng yêu cầu đặt ra khá cao, ít nhất phải có 5-10 năm kinh nghiệm. Số liệu thống kê từ Trung tâm GTVL Hà Nội đầu tháng 10-2012 cho thấy, các doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội phần nhiều là ngành thương mại dịch vụ (từ 65% đến 70%). Ngành sản xuất, xây dựng, vận tải chỉ chiếm từ 1% đến 11%. Chính vì vậy, nhiều cử nhân khối kỹ thuật buộc phải tìm việc làm trên các trang web, các tờ rơi hoặc đến trực tiếp các doanh nghiệp để nộp hồ sơ. Nhưng tình trạng người lao động phải làm thêm công việc trái ngành để bảo đảm trang trải chi phí cuộc sống khá phổ biến. Vì vậy, nhiều cử nhân có bằng "đỏ" về kỹ thuật nhưng lại làm các ngành nghề về kinh tế. Hiện tại rất nhiều trưởng phòng, nhân viên maketing về tiêu dùng xuất sắc lại là những sinh viên ngành kỹ thuật. Do những yếu tố khách quan, nhiều người lao động đã sẵn sàng hoặc chấp nhận bỏ cuộc để tiến thân theo những ngành nghề mới. Có hàng nghìn sinh viên ra trường mỗi năm đang phải làm trái ngành và họ cứ "giẫm chân tại chỗ", không trau dồi kiến thức nghề, cũng không phát triển ngành nghề đang làm. Điều này đã gây sự lãng phí quá lớn cho nguồn nhân lực đang thiếu hụt kỹ năng nghề, là sự lãng phí lực lượng lao động trẻ được đào tạo và định hướng nghề nghiệp không đúng hướng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm cho rằng, để không lãng phí nguồn nhân lực như hiện nay, các doanh nghiệp nên đón nhận và đào tạo những nhân viên "đa kỹ năng" có thể thích nghi với các công việc mà doanh nghiệp có. Tuy nhiên, để được đón nhận và được chấp nhận là lao động "đa kỹ năng", những cử nhân kỹ thuật chỉ có kiến thức chuyên ngành chưa đủ, mà cần khắc phục những thiếu hụt như hiện nay là kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, sử dụng thiết bị văn phòng và ngoại ngữ thành thạo… Nếu đáp ứng tốt điều đó thì sau nhiều năm rèn luyện, chúng ta sẽ không để lãng phí những nguồn nhân lực quá lớn như hiện nay.

Hoàng Hà