Năm 2020: Quỹ lương hưu bắt đầu thâm hụt?
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 04/10/2012
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, thì năm 2000 giảm xuống còn 34 người, năm 2004 còn 19 người, năm 2007 còn 14 người, năm 2009 còn 11 người và đến 2010 chỉ có 10,7 người… Như vậy, con số ngày càng tụt dần khiến dự báo sự tiềm ẩn nguy cơ khó có thể bảo đảm chi trả trong tương lai. Bên cạnh đó, hệ thống hưu trí thì còn đơn lẻ, đời sống người nghỉ hưu nghèo nàn vì đồng lương hưu là thu nhập duy nhất. Mức hưởng lương còn thấp, hiện được chi trả tính trên số tiền lương đóng BHXH trong quãng thời gian công tác của đối tượng này (chỉ bằng 56,6% thu nhập thực tế).
Cần có những chính sách và các giải pháp tổ chức thực hiện để quỹ BHXH, BHYT, quỹ hưu trí được cân đối bền vững trong thời gian tới.Ảnh: Huy Hùng
Sự mất cân đối trong quỹ hưu trí cũng thể hiện rõ khi chỉ sau ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người (hiện nay là 1 triệu người) BHXH sẽ không có khả năng chi trả và ngân sách sẽ phải bù quá lớn. Đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Chế độ hưu trí hiện tại được đánh giá còn nhiều bất cập, thể hiện ở tuổi về hưu tương đối sớm. Đặc biệt là đối với nữ giới và một bộ phận người lao động được phép về hưu trước tuổi quy định trong khi tuổi thọ trung bình hiện nay được nâng cao và tỷ lệ sinh giảm rõ rệt. Với nhóm công chức nhà nước và người làm công tại các doanh nghiệp tư nhân, do cách tính lương hưu khác biệt với nhóm làm việc trong khu vực nhà nước nên nảy sinh sự mất cân đối về lợi ích. Do vậy, các chuyên gia dự báo nguy cơ quỹ hưu trí sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029.
Tầm quan trọng của cải cách luật BHXH!
Trước những dự báo nêu trên, các cơ quan, ban ngành đã nhóm họp nhiều lần nhằm tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Trong đó, biện pháp thành lập quỹ hưu trí bổ sung thực hiện năm 2013 được đánh giá cao, áp dụng theo lộ trình của hầu hết các quốc gia trên thế giới là: triển khai thí điểm; thực hiện tự nguyện và thực hiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp…. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo dự kiến, lộ trình được thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2012-2015): hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Giám sát quá trình hoạt động và thực hiện các cải tiến cần thiết để hoàn thiện hệ thống. Giai đoạn 2 (2015-2020): hoàn thiện khung khổ pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn 3 (sau 2020): nghiên cứu chuyển đổi mô hình quỹ hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang hình thức bắt buộc. Nếu đủ điều kiện chuẩn bị, năm 2013 hình thành một số đơn vị thí điểm thực hiện quỹ hưu trí bổ sung.
Biện pháp gần đây được tán thành nhiều nhất để cải thiện tình trạng nêu trên là việc Quốc hội dự định sửa Luật BHXH trong năm tới và Chính phủ Việt Nam ghi nhận tầm quan trọng của việc cải cách này nhằm cân bằng được quỹ lương hưu. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, cần thiết phải tăng dần tuổi nghỉ hưu để cân đối tài chính giữa nguồn thu và chi cho quỹ. Đồng thời cần thiết phải sửa đổi cách tính lương hưu để giảm tỷ lệ chi trả. Sự kết hợp giữa tăng tuổi về hưu và thay đổi cách tính lương hưu sẽ giúp tăng tính bền vững của quỹ hưu trí trong dài hạn. Các ý kiến khác cũng cho rằng cần thực hiện một nghiên cứu khác nhằm xác định những biện pháp thay thế hữu hiệu để bảo vệ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức bằng cách kết hợp giữa BHXH tự nguyện và lương hưu xã hội.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam luôn chủ trương phải bảo đảm và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, trong đó BHXH và chế độ hưu trí phải ở vị trí trung tâm. Ngành BHXH cũng đã lường trước sự mất cân đối quỹ hưu trí nên đã sớm nghiên cứu cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện để quỹ BHXH, BHYT, quỹ hưu trí được cân đối bền vững và là trụ cột quan trọng bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.