Để việc cưới trở thành nét đẹp văn hóa ở Thủ đô

Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 04/10/2012

(HNM) - Ngày 3-10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ký ban hành Chỉ thị "Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã thảo luận bản dự thảo chỉ thị. Việc này ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội. Bên cạnh đa số ý kiến ủng hộ chủ trương tổ chức cưới vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm, vẫn còn các ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của một chỉ thị mới đối với một vấn đề vốn không mới. Nội dung cuộc trao đổi giữa Hànộimới với đồng chí Hồ Quang Lợi, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã góp phần giải đáp những băn khoăn đó.

- Trên cả các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong câu chuyện thường ngày của người dân, việc Thành ủy Hà Nội ban hành một chỉ thị về việc cưới được bàn luận khá sôi nổi. Thực tế cũng chứng minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là điều không dễ. Vì sao vào thời điểm hiện nay, Thành ủy lại tập trung chỉ đạo về vấn đề này, thưa đồng chí?

- Trước hết là vì thực tiễn đòi hỏi. Hôn nhân là việc trọng đại của đời người, hôn lễ là việc vui của mỗi gia đình, đám cưới có thể tổ chức theo ý muốn, hoàn cảnh của từng người, nhưng cách thức thực hiện việc riêng ấy của không ít người lại đang trở thành một vấn đề xã hội và khi nét đẹp văn hóa bị mai một thì chúng ta phải nhìn nhận lại và điều chỉnh, khắc phục. Vấn đề này đang ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là ở Hà Nội - nơi hội tụ, kết tinh mọi giá trị cao quý nhất của dân tộc, nơi mà văn minh, thanh lịch là nét văn hóa đặc trưng cần giữ gìn, bồi đắp và phát huy. Điều đó cho thấy, cưới đang là một vấn đề nhạy cảm, động chạm tới một sinh hoạt văn hóa mang tính chất riêng tư của mỗi gia đình, nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa xã hội.

Đám cưới tập thể trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một hình thức văn minh, tiết kiệm, được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng. Ảnh: Phan Anh

Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TƯ ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, Kết luận số 51-KL/TƯ ngày 22-7-2009 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27 và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là một số cán bộ chủ chốt các cấp không gương mẫu, vẫn tổ chức đám cưới linh đình, thậm chí có biểu hiện lợi dụng việc cưới để vụ lợi. Vẫn có những người tổ chức cưới phô trương, xa hoa, lãng phí. Thực trạng này gây nên sự bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Vì thế, qua thảo luận, Thành ủy Hà Nội thấy cần có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Việc ban hành chỉ thị này cũng là một việc làm thiết thực, cụ thể của Đảng bộ Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

- Đây cũng chính là những lý do mà chỉ thị này tập trung vào đối tượng cán bộ, đảng viên, thưa đồng chí?

- Đúng vậy! Nhưng có thêm một lý do quan trọng nữa, đó là trước bất cứ việc gì khó thì đảng viên phải thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu. Với những điều chưa đẹp, chưa vui tồn tại trong việc tổ chức cưới thời gian qua, một phần không nhỏ là do đảng viên chưa làm gương. Đảng bộ Hà Nội có hơn 34 vạn đảng viên, chưa kể hàng vạn đảng viên đang sinh hoạt tại các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Nếu mọi đảng viên đều thực hiện nghiêm túc chỉ thị thì chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa lớn - từ trong Đảng sẽ lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân và khi ấy cả xã hội sẽ chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và rõ ràng.

- Nhiều cán bộ, đảng viên trăn trở rằng, không phải họ coi đám cưới người thân là một cuộc kinh doanh “một vốn, bốn lời”. Họ phải tổ chức mâm cao, cỗ đầy nhiều khi chỉ vì sự ràng buộc tâm lý, từ phong tục, tập quán, vì sự cả nể, thậm chí là để “trả nợ miệng”. Chỉ thị lần này liệu có giúp họ vượt qua những rào cản ấy không?

- Thực tế đúng là như thế. Thay đổi nếp nghĩ, thói quen đã có tính phổ biến là rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, nhất là đối với một vấn đề đã được coi là cấp thiết, không thể kéo dài hơn nữa. Chính vì vậy, nội dung của chỉ thị lần này, tuy vẫn giữ tinh thần chung là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức cưới cho con hay cho chính bản thân mình vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, nhưng cụ thể hơn và có một số nét mới. Lâu nay, đã có quy định là tổ chức cưới lành mạnh, tiết kiệm nhưng thế nào được coi là tiết kiệm, là lành mạnh thì vẫn còn chung chung, khiến cho chúng ta nói nhiều mà chưa làm được bao nhiêu. Tôi cho rằng, chính những quy định cụ thể để “định lượng” ở mức cần thiết những điều lâu nay mới chỉ được “định tính” sẽ giúp cán bộ, đảng viên vượt qua những rào cản như nhà báo vừa đề cập.

- “Định lượng” như chỉ thị quy định là số lượng khách mời không quá 300 người, nếu hai gia đình tổ chức chung thì con số ấy được gấp đôi; không cưới ở khách sạn 5 sao hay các khu du lịch cao cấp; không làm tiệc cưới nhiều lần…? Xưa nay dân ta hay nói “ma chê, cưới trách”. Thực hiện chỉ thị này, liệu cán bộ, đảng viên có bị trách nhiều hơn?

- Tôi nghĩ sự hợp tình, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh chung sẽ tạo được sự đồng thuận, sức thuyết phục. Thứ nhất, số lượng người dự đám cưới với ai đó 300 đã là nhiều, nhưng với người khác thì 1.000 vẫn còn là ít. Cho nên, khi bàn bạc và đi đến thống nhất quy định số lượng khách mời không quá 300 người, đã có sự cân nhắc kỹ càng. Nếu để đông vui thì 300 cũng là đủ, nếu chọn lọc khách mời tốt thì con số ấy có thể giải quyết về cơ bản những mối quan hệ cần thiết trong cuộc sống. Với những mối quan hệ xã hội khác, có thể gửi giấy báo hỷ sau lễ cưới, vừa đỡ mang tiếng là vụ lợi, vừa tạo được sự cảm thông. Thứ hai, việc tổ chức tiệc cưới nhiều lần rõ ràng là không nên rồi vì vừa lãng phí thời gian và gây tốn kém, lại rườm rà, phiền phức. Thứ ba, việc quy định không tổ chức cưới ở những nơi quá tốn kém, không phù hợp với điều kiện chung của đa số người dân sẽ được mọi người ủng hộ bởi không ít cán bộ, đảng viên, người lao động, người về hưu... thu nhập chỉ đủ sống, nên được mời ăn cưới ở khách sạn 5 sao thì sẽ rất khó xử.

Nhiều người nói với tôi là họ thấy rất thoải mái khi tổ chức đám cưới cho con theo tinh thần này và chỉ thị này sẽ giúp họ tránh được những điều khó xử. Tôi nghĩ đa số cán bộ, đảng viên đều chung suy nghĩ đó.

- Thế còn với thiểu số không thấy thoải mái với những quy định này thì sao, thưa đồng chí? Chả nhẽ, như có người đã nói, lại phải giám sát bằng cách tổ chức đi đếm số mâm cỗ?

- Đừng nên suy nghĩ cứng nhắc đến mức như vậy. Không bao giờ nên làm thế. Không chỉ trong việc cưới mà ở bất kỳ việc gì khác, ý thức tự giác và tự giám sát mới là quan trọng nhất. Với một chỉ thị hợp lý và hợp tình như chỉ thị về việc cưới này, tôi tin rằng cán bộ, đảng viên sẽ nhận thức đúng và tự giác thực hiện. Còn với một bộ phận không hiểu hay cố tình không hiểu, cố tình hiểu sai mà vi phạm thì sẽ có tai mắt của dân vì đám cưới được tổ chức trong cộng đồng dân cư, trong môi trường xã hội, việc gì phải tổ chức lực lượng giám sát “đi đếm mâm cỗ” như ai đó lo ngại. Không ai dùng một biện pháp không văn hóa để giải quyết một vấn đề nhạy cảm như vậy. Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp sẽ tiếp nhận các phản ánh của nhân dân về những trường hợp cán bộ đảng viên tổ chức đám cưới trái chỉ thị này và sẽ đề xuất xử lý theo các quy định của Đảng.

- Cách thức triển khai vào cuộc sống luôn là khâu yếu nên nhiều khi chủ trương đúng nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Điểm yếu này sẽ khắc phục thế nào trong việc thực hiện chỉ thị về việc cưới được ban hành, thưa đồng chí?

- Muốn tự giám sát tốt thì cán bộ, đảng viên phải hiểu đúng tinh thần và nội dung của chỉ thị. Ngay sau khi ban hành, chỉ thị này sẽ được phổ biến tới từng chi bộ, sẽ là nội dung được quán triệt kỹ càng trong sinh hoạt của tổ chức Đảng và mọi đảng viên của Đảng bộ Hà Nội có trách nhiệm thi hành. Ở đây, tôi cũng xin nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, vận động giúp không chỉ đảng viên mà các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng tinh thần chỉ thị để đồng tình và hưởng ứng thực hiện vì đối với cộng đồng xã hội đây không phải là một mệnh lệnh hành chính.

Sau khi phổ biến, quán triệt, cùng với việc huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thì các tổ chức chính trị - xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc sẽ được coi là lực lượng rất quan trọng trong việc hưởng ứng thực hiện chỉ thị này.

Chỉ thị được ban hành thể hiện ý Đảng, lòng dân và đúng thời điểm nên tôi tin, với việc tổ chức triển khai nghiêm túc và bài bản thì việc cưới, chuyện vui của từng gia đình sẽ trở thành một nét đẹp trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch của Thủ đô.

- Xin cảm ơn đồng chí!


Chủ đề liên quan


Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại




Vân Vũ