Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành chi phí giám định tư pháp

Chính trị - Ngày đăng : 15:41, 03/10/2012

(HNMO) - Ngày 3- 10, Bộ Tư pháp đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giám định tư pháp.


Theo ý kiến của Bộ Tài chính, phí giám định tư pháp và chi phí giám định tư pháp là hai khoản thu khác nhau nhưng có nhiều nội dung chi phí cấu thành giống nhau, giao thoa, cùng để bù đắp chi phí cho việc thực hiện giám định. Vậy thì hai khoản thu này có tồn tại song song hay là loại trừ nhau phải quy định rõ để dễ áp dụng trên thực tế.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo Nghị định cho rằng, việc xây dựng danh mục chi phí giám định ở tất cả các lĩnh vực giám định tư pháp trong một văn bản do Chính phủ ban hành là Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ không khả thi. Vì phạm vi phí giám định tư pháp rất rộng, liên quan đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, tính đặc thù của mỗi lĩnh vực rất lớn, lại thường xuyên thay đổi, biến động.

Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị Chính phủ sớm phân công cơ quan chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Pháp lệnh chi phí giám định, định giá, chi phí người làm chứng, người phiên dịch. Bên cạnh đó, cho phép bổ sung vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giám định tư pháp vấn đề: giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính ban hành chi phí giám định tư pháp trong lĩnh vực theo đề nghị của các bộ để tránh tình trạng “ngắt quãng” hoạt động xây dựng và ban hành phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực trên thực tế hiện nay.

Về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người làm giám định tư pháp, theo Ban soạn thảo đây là vấn đề cần ưu tiên xem xét trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giám định tư pháp. Bởi tình trạng hao hụt, thiếu nhân lực, không tuyển được người vào làm giám định trong các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự trong nhiều năm qua là do chế độ lương, thưởng không tương xứng. Do đó, cần quy định về ngạch, bậc lương riêng và chế độ thâm niên, chế độ đãi ngộ đặc thù đối tuỳ theo tính chất phức tạp, độc hại, nguy cơ lây nhiễm bệnh, sự ô nhiễm của từng loại việc, nhất là tại các cơ sở công lập. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Kết luận 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” đã chỉ rõ “trong năm 2012 và năm 2013 chưa bổ sung thêm các loại phụ cấp theo ngành, nghề”. Thực tế này đòi hỏi việc bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù cho người làm giám định tư pháp trong các tổ chức giám định tư pháp công lập cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Dự kiến, tháng 10 này, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Hà Phong