Hàng tỷ USD “đổi” hàng xa xỉ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 03/10/2012

(HNM) - Thống kê mới nhất do Tổng cục Hải quan (TCHQ) vừa công bố cho thấy, trị giá hàng hóa nhập khẩu trong nửa đầu tháng 9 đạt gần 4,56 tỷ USD. Mặc dù những khó khăn của nền kinh tế đã khiến lượng nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh, song hàng triệu USD vẫn được chi để nhập về các mặt hàng xa xỉ như: ô tô, điện thoại, sản phẩm điện tử công nghệ cao...

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu hàng xa xỉ sẽ khiến nguồn ngoại tệ quốc gia bị lãng phí và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến giá cả tăng vọt, góp phần đẩy lạm phát lên cao. 

Những chiếc điện thoại Iphone đắt tiền giờ đây đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt. Ảnh: Thanh Hải


Nửa tháng chi 454 triệu USD mua ô tô

Theo TCHQ, 15 ngày đầu của tháng 9, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đạt gần 4,56 tỷ USD. Riêng mặt hàng ôtô nguyên chiếc, đã có tới 19.902 chiếc, trị giá 454 triệu USD được nhập khẩu. Trong đó, lượng xe dưới 9 chỗ là 10.004 chiếc với trị giá 107 triệu USD. Cùng thời điểm này, có 27.382 xe máy nguyên chiếc, trị giá 49 triệu USD được nhập khẩu. Các DN cũng đã dành 3.217 triệu USD để nhập khẩu điện thoại và linh kiện; 8.682 USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử...

Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, sức mua trên thị trường sụt giảm, việc nhập khẩu hàng xa xỉ, xét trên khía cạnh nào đó mang lại một số lợi ích như: góp phần bổ sung nguồn thu ngân sách từ việc đánh thuế cao các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu; giúp người dân được tiếp cận với những mặt hàng công nghệ có hàm lượng chất xám cao trên thế giới. Tuy nhiên, việc mạnh tay chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu hàng xa xỉ trong bối cảnh hiện nay là điều đáng ngại. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, những năm gần đây, các DN đã chi trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu hàng xa xỉ như: ô tô, điện thoại, mỹ phẩm, rượu ngoại... Trong khi đó, nguồn ngoại tệ dự trữ quốc gia vẫn còn eo hẹp, thậm chí có giai đoạn, nhiều DN đã gặp không ít khó khăn do khan hiếm ngoại tệ phục vụ xuất nhập khẩu.

Nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ cũng là một trong những nguyên nhân khuyến khích hoạt động buôn lậu mặt hàng này gia tăng. Thời gian qua, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng hóa giá trị cao. Đầu tháng 6, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện 1 container theo khai báo hải quan của DN là hạt nhựa nguyên sinh. Song kiểm tra thực tế, lại là 210 máy vi tính xách tay; 1.107 màn hình vi tính LCD trong lô hàng này. Cuối tháng 9 vừa qua, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 phát hiện 1 xe ôtô du lịch nhãn hiệu Mercedes Benz và hàng trăm chiếc máy in trong lô hàng phế liệu nhập khẩu theo khai báo của DN...

Siết chặt quản lý để hạn chế hàng xa xỉ

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu hàng xa xỉ không chỉ góp phần khiến nhập siêu tăng mạnh mà còn làm hao tổn nguồn ngoại tệ của quốc gia. Nguyên nhân của thực trạng này là do tâm lý "sính ngoại" của một bộ phận người dân. Đây là vấn đề đã được các cơ quan chức năng thảo luận trong nhiều năm nay, song tìm ra một giải pháp hiệu quả để giải quyết thực trạng này vẫn là vấn đề nan giải. Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, không nên ngăn cấm việc tiêu thụ hàng xa xỉ nhưng nên có những chế tài hữu hiệu để ngăn chặn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn dự trữ ngoại tệ của nước ta vẫn còn eo hẹp và nhập siêu vẫn là mối lo thường trực.

Việc áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt và hệ thống thủ tục hải quan khắt khe với những nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu là một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất để hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ. Áp dụng hàng rào kỹ thuật về tài chính sẽ hạn chế nhập khẩu nhóm hàng này nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và vẫn có thể đáp ứng tiêu dùng của một bộ phận người dân có thu nhập cao.

Trong bối cảnh Chính phủ chủ trương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu hàng xa xỉ sẽ giúp người dân nhận thức đúng đắn hơn về chủ trương này. Thực tế cho thấy, thông qua việc chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, nhiều quốc gia trên thế giới đã vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn và khôi phục đà tăng trưởng trong một thời gian ngắn. Việc hạn chế tiêu dùng hàng xa xỉ cũng là một trong những hành động thiết thực để hàng hóa Việt Nam có cơ hội cạnh tranh và đứng vững tại thị trường nội địa, từ đó tạo cơ hội để DN trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ và sản xuất những mặt hàng có chất lượng tốt hơn.

Hương Ly