Câu chuyện Iphone 5 và những kỳ vọng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 03/10/2012
Có người làm phép tính: Giá một chiếc Iphone 5 tại Việt Nam hiện nay khoảng 25 triệu đồng (1.100 USD), 5 triệu chiếc tương đương hơn 5 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 9-2012 của Việt Nam chỉ ước đạt 9,7 tỷ USD, như vậy, chỉ trong 3 ngày, lượng Iphone 5 bán ra đã bằng hơn 50% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam trong một tháng. Còn so với gạo, mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đang giữ vị trí thứ 2 thế giới thì 9 tháng qua, mới đạt khoảng 2,87 tỷ USD, tức là chỉ hơn 50% so với giá trị của số điện thoại Iphone 5 bán ra trong 3 ngày.
Thêm nữa, một thống kê mới đây cho thấy, trong cơ cấu của các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam, tỷ trọng của nhóm hàng máy vi tính, linh kiện điện tử (thuộc ngành hàng có hàm lượng công nghệ trung bình) chỉ chiếm khoảng 10%, trong khi phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam đều thuộc nhóm ngành hàng có công nghệ thấp hoặc dựa vào tài nguyên thô như: may mặc, sản phẩm đồ gỗ, gạo... Hiệu quả kinh tế từ việc xuất khẩu nguyên liệu thô so các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao như thế nào, có lẽ không phải bàn thêm.
"Cơn sốt" Iphone 5 và những so sánh nêu trên đã nói lên điều đó, dù mọi so sánh chỉ là tương đối.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trong xu hướng phát triển chung của kinh tế tri thức, Đảng, Nhà nước đã coi phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cách đây 16 năm, Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến năm 2010. Thế nhưng cho đến hôm nay, hoàn toàn có thể nhận định rằng, chúng ta chưa có những đột phá lớn trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, nếu không muốn nói trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam có một khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nếu tiếp tục loay hoay với bài toán khoa học - công nghệ như hiện nay, không biết đến bao giờ chúng ta mới có được những sản phẩm đạt trình độ công nghệ đỉnh cao để xuất khẩu? Và như vậy, Việt Nam vẫn phải "trung thành" với chiến lược xuất khẩu nguyên liệu thô với hiệu quả thấp và nhiều hệ lụy!
Tại Hội nghị Trung ương 6 lần này, phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là một trong những nội dung quan trọng được đưa lên bàn nghị sự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chúng ta bàn về vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ. Có một loạt câu hỏi đặt ra cần được thảo luận, làm rõ như: Vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ? Phạm vi, mục tiêu, yêu cầu của mỗi đề án thế nào? Đổi mới căn bản là gì, toàn diện là gì? Nội hàm phát triển khoa học và công nghệ? Những chủ trương, chính sách, biện pháp gì cần phải thống nhất ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ?...
Người Việt Nam hy vọng những vấn đề đặt ra với khoa học - công nghệ Việt Nam sẽ được giải quyết triệt để, những quyết sách mới của Hội nghị Trung ương 6 sẽ tạo bước đột phá để nền khoa học - công nghệ nước nhà thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên kinh tế tri thức.