Kiên quyết GPMB xong Dự án xây dựng Trụ sở Kho bạc Nhà nước
Đời sống - Ngày đăng : 18:40, 02/10/2012
Theo báo cáo của quận Hoàn Kiếm, tháng 5/1993 UBND TP đã cấp giấy phép sử dụng đất số 853/ UB - XDCB cho Kho bạc nhà nước thực hiện điều tra, khảo sát GPMB tại 43 F - 47C Ngô Quyền (phường Hàng Bài) và 36A Trần Hưng Đạo (phường Phan Chu Trinh), góc phố Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Kho bạc Nhà nước. Giai đoạn 1993 - 1998 chính quyền đã di chuyển được 10 hộ dân và một tổ chức (Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà). Tuy nhiên, tới nay đã gần 20 năm trôi qua, nhưng công tác GPMB vẫn chưa dứt điểm và Dự án vẫn bị đình trệ.
Lý do là còn 15 hộ dân tại đây (trong đó có 5 hộ mặt phố Ngô Quyền, 1 hộ mặt phố Trần Hưng Đạo) chưa đồng tình với chính sách GPMB của Thành phố, gây khiếu kiện kéo dài. Năm 2004 Thành phố đã ra quyết định phê duyệt chính sách làm căn cứ bồi thường theo hướng có lợi cho người dân. Cụ thể: Đối với các hộ mặt phố được áp dụng theo cách tính VT1 và các hộ trong khuôn viên được áp dụng đền bù bằng 75% VT1. Đồng thời việc bố trí tái định cư (TĐC) được áp dụng với các hệ số chuyển vùng là 1,7 và giá bán nhà TĐC tại Định Công (áp dụng theo QĐ số 15/2003/QĐ - UB, rất có lợi cho người dân). Tổng giá trị của phương án bồi thường hỗ trợ là hơn 16,5 tỷ đồng (năm 2004). Nhưng 15 hộ dân nói trên (với tổng diện tích đất cần đền bù, GPMB là 554,15m2) vẫn không thống nhất với chính sách bồi thường này.
Giai đoạn 2005 - 2009, do các hộ dân thắc mắc về quy hoạch và chính sách bồi thường, Thanh tra Thành phố đã vào cuộc và đã có kết luận giải quyết đơn thư. Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Thành phố UBND TP đã ban hành quyết định 709/ QĐ - UB, ngày 9/2/2006 giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân theo quy định pháp luật. Hội đồng GPMB quận và các ban ngành đoàn thể đã nhiều lần công khai đối thoại với người dân, nhưng 15 hộ dân vẫn không đồng tình và giữ nguyên nội dung khiếu nại cũ...
Góc Ngã tư Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo, nơi sẽ xây dựng Trụ sở của Kho bạc |
Năm 2010, do giá đất tăng nên UBND quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt lại phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC cho 15 hộ dân trên, và mức bồi thường được tăng lên hơn 33,3 tỷ đồng (tăng gần 18 tỷ so với mức trước đây). Tuy nhiên, các hộ dân phải GPMB vẫn cho rằng, phương án BTHT như vậy vẫn chưa thỏa đáng (!?).
Để tạo sự đồng thuận từ phía người dân, năm 2011 quận Hòan Kiếm đã đề nghị Thành phố cho phép áp dụng bằng 1,5 giá đất hiện hành để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ tại Dự án này và sau khi có Quyết định phê duyệt phương án bổ sung cho 15 hộ dân với tổng số tiền là 47.392.363.872 đồng (tăng thêm hơn 13 tỷ đồng). Về vấn đề TĐC: Năm 2011 Hội đồng BTHTTĐC quận Hoàn Kiếm đã tổ chức 2 buổi bắt thăm căn hộ TĐC (tại Khu Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy) cho 15 hộ dân nói trên, nhưng không hộ nào tới dự và việc bắt thăm đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Ngày 19/5/2012 Ban chỉ đạo GPMB Thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã tổ chức đối thoại với dân, nhưng sau đó 15 hộ dân nói trên, nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình hợp tác, và người vẫn muốn được đền bù nhiều hơn. Trước tình hình đó, ngày 16/7/2012 UBND TP đã ra văn bản số 4477/ UBND - TNMT giữ nguyên mức giá bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt, đồgn thời yêu cầu quận Hòan Kiếm thực hiện các biện pháp GPMB theo quy định...
Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng GPMB quận Hoàn Kiếm, phương án BTHTTĐC của quận Hòan Kiếm đã được lập trên cơ sở đã vận dụng tối đa các chính sách của Nhà nước và đã được UBND TP phê duyệt, đảm bảo công bằng, đúng chính sách, chế độ và hài hòa quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các hộ dân. Cụ thể đã điều chính giá đề bù nhân với hệ số 1,5 của vị trí đắt nhất Hà Nội (đường Trần Hưng Đạo), tương đương khoảng 108 triệu/m2, trong khi người dân mua nhà TĐC chỉ phải trả khoảng 13 triệu đ/m2. Như vậy, so với 10 hộ (đã di chuyển trước đây) thì những hộ còn lại được hưởng lợi nhiều hơn, nhưng họ vẫn chưa đồgn thuận với chính quyền. Trước mắt, quận Hòan Kiếm vẫn tiếp tục kiên trì vận động, thuyết phục theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, nhưng trong trường hợp cần thiết chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp hành chính mạnh (kể cả phải cưỡng chế) để giữ nghiêm kỷ cương, kiên quyết GPMB cho Dự án xây dựng Trụ sở Kho bạc Nhà nước...
Dự án xây dựng trụ sở Kho bạc nhà nước tại 43 F - 47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo, có tổng diện tích đất là 1.233,7 m2 (công tác GPMB liên quan tới 33 tổ chức và cá nhân) đã được UBND TP phê duyệt gần 20 năm nay, nhưng vẫn chưa được GPMB xong và hiện đang là điểm nóng về GPMB của quận Hoàn Kiếm |