CMND cũ sẽ bị cắt góc, đục lỗ
Đời sống - Ngày đăng : 11:08, 02/10/2012
Cuộc họp này xuất phát từ việc Bộ Công an khẳng định việc đưa tên cha mẹ vào CMND là thực hiện đúng theo Nghị định 170/2007 của Chính phủ về CMND, trong đó Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đã thẩm định, thông qua mà không phàn nàn gì. Từ đây, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng Bộ Tư pháp đã không làm tốt khâu “gác cổng” văn bản trái luật?
Giao dịch mới sẽ phải sử dụng CMND mới (Ảnh: Phạm Hải - Vietnamnet)
Một quan chức của Bộ Tư pháp tham gia cuộc họp nói trên nói sắp tới, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ nghiên cứu và họp bàn với đại diện Bộ Công an về quy định nêu trong Nghị định 170. Theo vị này, lẽ ra khi dư luận lên tiếng phản ứng, Bộ Công an cần có văn bản báo cáo Chính phủ để xin ý kiến trước khi triển khai thí điểm ở Hà Nội.
Việc Bộ Công an thực hiện cấp CMND mẫu mới từ ngày 21/9 đúng về mặt quy định nhưng không phù hợp trong một số hoàn cảnh. “Một số đại biểu Quốc hội đã cho tôi biết là sắp tới sẽ đưa vấn đề này ra chất vấn tại nghị trường. Nếu khi ấy Chính phủ nhận ra bất hợp lý và yêu cầu bỏ quy định này thì có phải sẽ gây ra biết bao rắc rối, lãng phí cho cả người dân và Nhà nước hay không?” - vị này nói.
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho biết ngoài trái luật, quy định đưa tên cha mẹ lên CMND còn xâm phạm nghiêm trọng về đời tư công dân. “Tôi thấy trong việc này còn phảng phất tư duy của “chủ nghĩa lý lịch”, không có lợi trong bối cảnh hiện nay” - ông Sơn thẳng thắn.
CMND cũ sẽ bị cắt góc, đục lỗ
Theo khảo sát của chúng tôi, việc CMND thay đổi từ 9 chữ số lên 12 chữ số đã gây không ít khó khăn cho người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự. Ông Phạm Đăng Lâm, Phó Giám đốc Công ty CP Cơ khí chính xác LPC (Hà Nội), cho biết: Rất bối rối khi khách hàng thay đổi CMND theo mẫu mới. “Giấy tờ giao dịch sẽ không khớp nhau dẫn tới hàng loạt vấn đề cần phải làm cẩn trọng để tránh những rắc rối về mặt pháp lý. Chúng tôi cũng chưa rõ việc thay đổi CMND có phải đổi luôn cả số tài khoản giao dịch ở ngân hàng không? Nếu phải thay đổi thì sẽ gây gián đoạn quá trình giao dịch của công ty” - ông Lâm lo ngại.
Trao đổi với phóng viên ngày 1/10, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết: “Theo quy định, khi làm CMND mới thì phải thu hồi CMND cũ. Người dân có những giao dịch trong hợp đồng, giấy tờ nhà đất có số CMND cũ rồi nên phải tiếp tục giữ nó. Tuy nhiên, CMND cũ sẽ phải bị đục lỗ hoặc cắt góc để không thực hiện những giao dịch mới mà chỉ có tác dụng trong những giao dịch dang dở. Giao dịch mới phải sử dụng CMND mới”.
Theo một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), sắp tới mỗi người dân khi đổi CMND còn có thể được cấp một giấy xác nhận số CMND cũ để thuận lợi khi thực hiện các giao dịch dân sự. Việc này cũng sẽ được cân nhắc, bởi việc duy trì cùng lúc hai CMND nếu quản không tốt sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. “Hiện các trường hợp đến làm CMND mẫu mới không nhiều, đa số rơi vào các trường hợp mất CMND hoặc CMND bị nhàu nát” - vị lãnh đạo này cho biết.
Chưa nhận được phàn nàn về CMND mới CMND mới bắt đầu triển khai thí điểm tại 3 quận, huyện ở Hà Nội (quận Tây Hồ, Hoàng Mai và huyện Từ Liêm) từ ngày 21/9. Dự kiến sau 1 tháng, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự an toàn xã hội sẽ tổng kết, đánh giá về những điều đã làm được và chưa được. Sau đó sẽ cấp đổi CMND mới trên toàn TP Hà Nội. Theo ông Trần Thế Quân, đến thời điểm này, Bộ Công an vẫn chưa nhận được một phàn nàn nào bằng văn bản về việc CMND mới có đưa tên cha mẹ công dân. |