Dự kiến 7 đối tượng ưu tiên tuyển sinh du học

Xã hội - Ngày đăng : 11:07, 02/10/2012

Nội dung này được nêu trong dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh đi học ở nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, công bố lấy ý kiến nhân dân.

Dự kiến 7 nhóm đối tượng ưu tiên tuyển sinh đi học nước ngoài. Ảnh minh họa


7 đối tượng được ưu tiên trong tuyển sinh đi học nước ngoài gồm:

1. Ứng viên thuộc các diện ưu tiên theo quy định hiện hành tại các Quy chế tuyển sinh đại học và sau đại học;

2. Giảng viên đại học, cao đẳng và nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu;

3. Cán bộ thuộc các cơ quan, địa phương có nhu cầu cấp thiết về đào tạo nhân lực và các ngành đào tạo cần ưu tiên;

4. Người có trình độ chuyên môn giỏi, thâm niên công tác lâu năm, trình độ ngoại ngữ tốt, có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, các hoạt động đoàn thể và xã hội;

5. Con cán bộ ngoại giao tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được ưu tiên khi xét tuyển học bổng Hiệp định;

6. Học viên cao học và sinh viên đại học mới tốt nghiệp dự tuyển học bổng Hiệp định hoặc học bổng khác được xét ưu tiên nếu có hợp đồng về nguyên tắc sẽ tuyển dụng sau tốt nghiệp hoặc văn bản cam kết tiếp nhận về làm giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các cơ quan Nhà nước.

7. Ứng viên thuộc diện ưu tiên của phía Việt Nam và phía nước ngoài được quy định cụ thể tại thông báo tuyển sinh chương trình học bổng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, ưu tiên về đối tượng tuyển sinh được xem xét trong trường hợp các ứng viên dự tuyển có các tiêu chuẩn khác ngang nhau thì người thuộc các đối tượng ưu tiên nêu trên sẽ được xét chọn lần lượt theo thứ tự người có nhiều tiêu chí ưu tiên đến người có ít tiêu chí ưu tiên.

Các ngành học ưu tiên

Cũng theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến một số nhóm ngành học ưu tiên tuyển sinh đi học ở nước ngoài bao gồm: Các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, môi trường, khoa học xã hội cần ưu tiên đào tạo cán bộ phục vụ các chương trình, đề án, dự án quốc gia do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các ngành học chưa đào tạo được tại Việt Nam hoặc chất lượng đào tạo tại Việt Nam còn thấp, số lượng cán bộ ngành này ở Việt Nam còn ít.

Ngoài ra, dự thảo cũng dự kiến ưu tiên đào tạo các ngành học cần thiết đối với việc nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu; các ngành học cần ưu tiên đào tạo tài năng tại nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các ngành học đồng thời là ưu tiên đào tạo của phía Việt Nam và phía nước ngoài cấp học bổng cho ứng viên Việt Nam.

Dự thảo nêu rõ, ứng viên chỉ được đăng ký dự tuyển trình độ cao hơn trình độ đã có văn bằng, không được đăng ký dự tuyển học lại trình độ đào tạo đã có văn bằng, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với các đối tượng cụ thể, người đã có văn bằng chuyên ngành khác được phép đăng ký học chương trình cùng trình độ đào tạo với văn bằng đã có về lĩnh vực quản lý hành chính công hoặc ngoại ngữ hoặc các ngành đặc biệt khác;

Đối với ứng viên dự tuyển học bổng chuyển tiếp sinh thạc sĩ, tiến sĩ (trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp đại học, thạc sĩ) được xem xét trên cơ sở kết quả, thành tích, học tập, nghiên cứu khoa học đã đạt được, cam kết sau khi tốt nghiệp về nước làm việc cho cơ quan công tác đã cử đi học hoặc theo sự phân công của Nhà nước.

Theo VGP News