“Tâm bão” trên bán đảo Iberia

Thế giới - Ngày đăng : 06:09, 02/10/2012

(HNM) - Dấu hiệu của những bất ổn xã hội tại Liên minh Châu Âu (EU) đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ thuận với những biện pháp cắt giảm chi tiêu nghiệt ngã.


Liên tiếp trong nhiều tháng qua, từ "cái nôi" của cuộc khủng hoảng nợ công là Hy Lạp, các nước Pháp, Italia, Anh đều chứng kiến những cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng" gây tổn thương nặng nề tới hệ thống phúc lợi và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức kỷ lục. Trong những ngày qua, làn sóng phản đối liên tiếp nổ ra làm rung chuyển bán đảo Iberia khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đồng loạt công bố lộ trình "thắt chặt hầu bao" cho giai đoạn tiếp theo.


Tỷ lệ thất nghiệp tại Madrid (Tây Ban Nha) tăng cao do tác động khủng hoảng nợ công Châu Âu.

Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nhiều người biểu tình đã tấn công lực lượng cảnh sát. Cuộc biểu tình quy mô lớn thứ 3 đã nổ ra vào cuối tuần qua phản đối kế hoạch ngân sách năm 2013, trong đó cắt giảm chi tiêu của các bộ và cơ quan chính phủ 8,9%, ngừng tăng lương trong khu vực công cộng, cải cách thị trường lao động và tinh giản bộ máy hành chính... Điều này có thể khiến nền kinh tế của xứ Bò tót tiếp tục lún sâu vào suy thoái và số người mất việc làm tăng mạnh. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha vốn đã cao gấp đôi so với mức trung bình của các nước trong EU - 50% người lao động ở độ tuổi dưới 26 không thể tìm được việc làm. Tình hình còn có thể tồi tệ hơn khi Bộ Ngân sách Tây Ban Nha công bố dự định sẽ vay 207,2 tỷ euro từ Quỹ giải cứu tài chính EU sau khi gặp khó trong vay vốn trên thị trường tài chính quốc tế. Đây là chỉ báo cho thấy, khoảng thời gian người Tây Ban Nha tự cứu mình đã đến giới hạn và ngưỡng cửa xin cứu trợ toàn diện đã ở trước mặt. Nếu điều không mong muốn này xảy ra, Madrid sẽ phải tuân theo một lộ trình kiểm soát tài chính ngặt nghèo của các chủ nợ là hiển nhiên. Và "bài ca" cắt giảm chi tiêu tiếp tục là nguy cơ thổi bùng cơn thịnh nộ chưa nguôi của người lao động tại nền kinh tế lớn thứ 4 của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha hiện đã tăng lên mức kỷ lục 15% trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đã rơi vào đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1970. Làn sóng phản kháng bắt nguồn từ kế hoạch cắt giảm chi tiêu mà Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho lập ra cho năm 2013. Trong đó, Chính phủ sẽ buộc người lao động tăng mức đóng góp cho quỹ an sinh xã hội từ 11% lên 18%. Ngoài ra, Lisbon cũng tạm ngừng các khoản trợ cấp cho người hưu trí, trong khi cắt giảm 1 tháng tiền thưởng cho người làm công trong các khu vực nhà nước... Mặt khác, Bồ Đào Nha cũng sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp khắc khổ và chính sách cải tổ sâu rộng như đã cam kết để nhận gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro từ EU, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Giữa lúc "mây đen" bao phủ khắp bức tranh kinh tế Cựu lục địa thì Fitch - một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới vừa phát đi cảnh báo nguy cơ Anh bị tụt hạng tín nhiệm đã tăng lên do kết quả nghèo nàn của nền kinh tế xứ Sương mù. Theo Fitch, tổng nợ công quốc gia của Anh cho đến nay tương đương 97% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nếu lên tới 100% GDP thì nguy cơ nền kinh tế Anh bị hạ mức tín nhiệm là rất cao.

Sự có mặt của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh, thậm chí sắp tới có thể là Pháp - những nền kinh tế hàng đầu Châu Âu trong cơn bão suy thoái khiến viễn cảnh hồi phục kinh tế tại cựu lục địa thêm xa vời. Điều nguy hiểm là, lòng tin của người dân EU vào cách thức điều hành của các chính phủ, của các gói cứu trợ giờ đây đã gần bằng không. Gánh nặng "cơm, áo, gạo, tiền" cùng các chính sách cắt giảm phúc lợi xã hội khiến người dân EU bỏ ngoài tai những lời có cánh của các chính trị gia. Và, khi đối mặt với sự thực tàn nhẫn: "không tiền, không việc làm" đồng nghĩa với không tương lai và hy vọng thì làn sóng biểu tình dâng cao đến vậy ở các trung tâm tài chính của EU là không quá khó hiểu.

Quỳnh Chi