Thiên Trường xưa - Nam Định nay

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:06, 02/10/2012

(HNM) - Thời thịnh Trần, Tức Mặc - Thiên Trường có vị trí như kinh đô thứ hai. Sau kỷ nguyên nhà Trần, Thiên Trường - Nam Định vẫn có vị trí như trung tâm phía nam đồng bằng sông Hồng.

Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường thời Trần

Đại Việt sử ký toàn thư, chép: “Tổ tiên nhà Trần là Trần Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường”. Hương Tức Mặc xưa, nay thuộc xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định.


Thành phố Nam Định hôm nay.

Năm 1225, nhà Trần nối tiếp nhà Lý, thu phục hiền tài, chấn hưng Đại Việt. Năm 1239, vua Trần Thái Tông cho xây dựng hành cung Tức Mặc. Năm 1262, hương Tức Mặc được nâng cấp thành Phủ Thiên Trường, là đơn vị hành chính đặc biệt, có vị trí như kinh đô thứ hai. Nơi đây có Cung Trùng Quang để Thượng hoàng về ngự sau khi truyền ngôi; lại có Cung Trùng Hoa để vua nối ngôi về chầu, yết kiến quốc sự. Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương loại chí, viết: “Các vua Trần sau khi nhường ngôi cho con đều về ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ”. Nhà Trần thực hiện chế độ hai vua (Thái Thượng hoàng - Vua cha và Quan gia - Vua con). Theo nhà sử học Ngô Sỹ Liên: “Gia pháp Nhà Trần, con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thái từ, xưng là Thượng hoàng trông coi chính sự”. Thời Trần, nhiều quyết sách “sâu rễ bền gốc” của đất nước được khởi thảo, quyết định tại hành cung Thiên Trường. Tức Mặc - Thiên Trường còn có vị thế xung yếu về quân sự quốc phòng; là hậu phương vững chắc của kinh thành Thăng Long; nơi đây có hệ thống sông ngòi liên hoàn lợi hại về thủy binh, cả công và thủ. Từ Tức Mặc, theo sông Vĩnh Giang ra sông Hồng, ngược lên kinh thành Thăng Long, hoặc xuôi ra Biển Đông, tỏa đi các hướng. Trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ 13, các vua Trần, triều đình và tôn thất đều lui về Thiên Trường, tích lũy lương thảo, chỉnh đốn lực lượng, hoạch định kế sách tổng phản công chiến lược đánh tan giặc Nguyên Mông, đế chế phong kiến mạnh nhất thế giới đương thời.

Triều Trần trải qua 175 năm (1225-1400) và hậu Trần 7 năm (1407-1414) với 14 đời vua. Thời thịnh trị, với hào khí Đông A, nhà Trần đã xây dựng Đại Việt thành quốc gia hùng mạnh “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức”. Đại Việt kỷ nguyên nhà Trần thế kỷ XIII có nền văn trị rực rỡ, pháp quyền công minh, đời sống nhân dân no ấm. Vương triều Trần đã sản sinh ra nhiều vị vua anh minh và anh hùng, như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; cùng nhiều nhân tài trác việt, công danh lừng lẫy cả về võ công, văn trị và lòng trung quân ái quốc, như Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản…

Là đơn vị hành chính đặc biệt, Thiên Trường không chỉ là một trung tâm chính trị, nơi đây còn là trung tâm khởi phát nhiều giá trị văn hóa tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc Đại Việt - Đông A. Giáo phái Trúc Lâm (Yên Tử) do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đã đưa Phật thời nhập thế, gắn đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc. Tại đây hiện còn công trình Phật Giáo Chùa Phổ Minh và Tháp Phổ Minh 14 tầng được xây dựng thời nhà Lý phồn thịnh, đầu triều Trần nâng cấp, mở rộng. Để chấn hưng đất nước, cùng với Thăng Long, tại Tức Mặc - Thiên Trường, vua Trần cho lập Nhà học chăm lo việc đào tạo, tuyển chọn hiền tài, không phân biệt sang hèn, tuổi tác. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền, người huyện Thượng Nguyên, sau thuộc phủ Thiên Trường, đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi. Thời thi Nho học, từ Trường Thi Thiên Trường, đã có 82 vị đỗ Trạng nguyên, Tiến sỹ, Phó bảng, và hàng ngàn Cử nhân, Tú tài, bổ sung vào bộ máy triều chính, giúp dân, giúp nước, trong đó có Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Tam nguyên Trần Bích San, Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị… Hồ Chủ tịch trong Lịch sử diễn ca đã viết: “Thời Trần, văn giỏi, võ nhiều. Người dân thịnh vượng, trong triều hiển vinh”.

Văn bia Nam Trạch miếu bút ký, ghi: “Tiên miếu thờ Tổ tiên họ Trần Việt Nam được xây dựng vào năm 1239 ở hương Tức Mặc”. Thế kỷ XV, Trần miếu và nhiều công trình kiến trúc ở hành cung Thiên Trường bị giặc Minh tàn phá. Đền Trần Thiên Trường được trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Chính Lễ Khai ấn đền Trần hằng năm được cử hành tại Đền Trần Nam Định, nơi thờ tự bài vị Thủy Tổ họ Trần Việt Nam và các vua Trần. Từ năm 1985 đến 2005 đã có 5 cuộc hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế về quê hương nhà Trần Việt Nam, được tiếp cận từ cứ liệu sử học, khảo cổ học, văn học, bảo tàng học, địa lý học… Theo Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Duy Quý: “Phủ Thiên Trường thuộc Nam Định ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần (…), vùng đất ấy là một trong những cái nôi khởi nguyên sáng tạo những giá trị lịch sử và văn hóa văn minh làm rạng danh non sông đất nước”. Khu Di tích Văn hóa Trần Nam Định, với các hiện vật, chứng tích lịch sử, văn hóa phong phú, giàu bản sắc, gắn liền với một triều đại huy hoàng của dân tộc, được đề nghị Nhà nước xếp hạng Di sản cấp quốc gia đặc biệt.

Nam Định - Trung tâm phía nam đồng bằng sông Hồng

Đại Việt thời Trần có 12 phủ, phủ Thiên Trường có 4 huyện: Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Tức Mặc - Thiên Trường là thủ phủ. Thời Lê, Nguyễn, phủ Thiên Trường thay đổi về quy mô, tên gọi, Sơn Nam, Sơn Nam Hạ; năm 1821, nhà Nguyễn đổi trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định; năm 1890 trấn Nam Định chia thành tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình. Sau thời Trần, Nam Định vẫn giữ vị trí trọng yếu trung tâm phía nam Bắc bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Thời Lê - Nguyễn, tập trung khẩn hoang, quai đê lấn biển mở rộng đồng bằng hạ lưu sông Hồng trù phú; cho xây dựng nhiều đền đài, chùa miếu, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa làng - xã, bồi bổ hun đúc hạt nhân văn hóa dân tộc. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định bằng đất, đến năm 1839 thành xây bằng gạch nung, từng bước hình thành phố, phường, khu dân cư, chợ búa. Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp xác định: “Chiếm được Hà Nội và Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ”. Tại Nam Định, Pháp xây dựng Nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương, cùng với nhà máy Rượu, nhà máy Chai. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề thành Nam Định mở mang, phát triển. Với vị trí kinh tế, văn hóa, địa lý, giao thông thủy bộ, vai trò trung tâm của thành Nam Định và tỉnh Nam Định ở phía nam Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ được hình thành, xác lập.

Bước vào kỷ nguyên thời đại Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Nam Định là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, phong trào cách mạng và tổ chức Cộng sản. Từ phong trào yêu nước và cách mạng ở Nam Định, đồng chí Trường Chinh đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng. Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong các giai đoạn cách mạng dân tộc, dân chủ và xây dựng CNXH, Đảng bộ, quân dân Nam Định đã có đóng góp xứng đáng cùng cả nước vì cả nước. Đảng bộ, quân dân Nam Định và nhiều ngành, địa phương, cơ sở, cá nhân trong tỉnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có thành phố “Dệt anh hùng”.

25 năm đổi mới, mặc dù trong điều kiện sáp nhập, chia tách, tái lập địa giới hành chính cấp tỉnh, với nội lực và khả năng nội sinh của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; có thành phố công nghiệp dệt may và công nghiệp cơ khí phát triển; có vùng chuyên canh lúa màu rộng lớn và tiềm lực kinh tế biển; cùng với chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, Nam Định vững vàng, đi đầu trong nhiều phong trào, là tỉnh trọng điểm phía nam Đồng bằng Bắc bộ. Từ năm 1990 đến năm 2000, GDP toàn tỉnh tăng bình quân 7,1% năm; từ 2001 đến 2005 là 7,6%; từ 2006 đến 2010 là 10,2%; GDP bình quân đầu người tăng 2,6 lần. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (hiện chiếm gần 70% trong GDP). Đời sống nhân dân ổn định, đồng đều và không ngừng nâng cao, hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo hiện còn 6%. Thành phố Nam Định (thủ phủ Thiên Trường xưa) trung tâm của tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng nam Đồng bằng sông Hồng. Tăng trưởng kinh tế thành phố từ năm 2008 đến 2011 đạt 14,32%; tăng trưởng công nghiệp 19,74%; tỷ trọng công nghiệp xây dựng trên 56%; dịch vụ trên 42%; thu nhập bình quân đầu người tương đương 1.900 USD (bình quân cả nước là 1.098 USD). Thành phố có các Khu Công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung; Cụm Công nghiệp An Xá, thu hút đầu tư 185 doanh nghiệp, với hơn 54.000 lao động. Siêu thị BigC Nam Định và Trung tâm Thương mại Micom Plaza, đạt quy mô trung tâm khu vực. Cùng với đô thị cổ, các khu đô thị mới Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung; các công trình Khu Di tích văn hóa Trần, bệnh viện 700 giường; các trường Đại học Điều dưỡng, Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật, Lương Thế Vinh; cùng 5 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp nghề… đã và đang được tập trung xây dựng, mở rộng, đi vào hoạt động, làm cho Thành Nam ngày càng khang trang, sung sức, văn minh và gia tăng năng lực hội tụ. Từ Thành Nam, với tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 21, đường cao tốc Nam Định - Phủ Lý, cùng với hệ thống đường nội tỉnh mở rộng, nâng cấp tới từng thôn, xã; và hệ thống đường sông, đường biển, đường sắt… là lợi thế cho Nam Định giao lưu, chắp nối, hội nhập, phát triển đối với cả nước và khu vực.

Với hành trang truyền thống lịch sử, văn hóa, với các lợi thế đang được khai thông, Đảng bộ, nhân dân Nam Định đang chung sức, chung lòng, giải phóng nội lực, tranh thủ ngoại lực, xây tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định phát triển trong công cuộc phát triển chung của khu vực và cả nước.

Trần Đại Quyết