Thuật toán và quyền mưu (tiếp)
Sách - Ngày đăng : 14:17, 01/10/2012
M. Thuật trung y
Các nhà triết học cổ đại nhận thấy rằng, tất cả thế giới đều tồn tại trong một khối khí lớn không ngừng vận động để nuôi sống vạn vật và con người nên gọi đó là nguyên khí. Khí âm dương của trời đất giao hòa với nhau sản sinh ra ngũ hành kim-thủy-mộc-hỏa-thổ, biểu hiện thành 3 kinh dương: Thái dương, thiếu dương và dương minh và 3 kinh âm là thái âm, thiếu âm và quyết âm trong cơ thể con người có sự tương ứng với lục khí: Hàn-thử-táo-thấp-phong-hỏa. Theo quan điểm của một số nhà triết học và y học, muốn giải thích cấu tạo các cơ quan trong cơ thể cần phải có cả thuyết ngũ hành, vì ngũ tạng, ngũ quan, lục phủ trong cơ thể con người có vị trí và chức năng khác nhau. Mỗi tác nhân gây bệnh đều dẫn đến sự mất cân bằng âm dương của một hoặc nhiều tạng phủ, dẫn đến rối loạn âm dương trong toàn thân. Phân tích một cách cụ thể, thì thức ăn cũng là một nguyên nhân gây bệnh. Nếu ăn quá nhiều, quá sức chịu đựng của dạ dày, ảnh hưởng đến sự tiêu hóa, tỳ vị hoạt động quá sức, sinh ợ hơi đầy chướng, cơ thể bứt rứt khó chịu. Ngược lại, nếu ăn ít quá, không cung cấp đủ năng lượng cần thiết, sẽ làm các cơ quan mệt mỏi, đuối sức. Bên cạnh đó, việc quy loại thức ăn thành ngũ vị theo ngũ hành cho thấy rõ quan hệ khắc chế nhau: Ăn đồ chua nhiều (thuộc mộc) hại tỳ (thuộc thổ), ăn đồ đắng (thuộc hỏa) hại phế (thuộc kim), ăn đồ ngọt quá (thuộc thổ) hại thận (thủy), ăn nhiều đồ cay (kim) hại can (mộc), ăn nhiều đồ mặn (thủy) hại tâm (hỏa). Ngũ hành tương ứng với bộ phận và tạng phủ như sau:
Mộc: Tương ứng với gan và mật, gân cốt tứ chi. Mộc vượng quá hay suy quá dễ mắc bệnh gan, mật, khớp, gân, mắt, thần kinh.
Hỏa: Tương ứng với tạng phủ tim và ruột non. Thuộc mạch máu và các hệ thống tuần hoàn. Hỏa quá vượng hay suy đều sinh bệnh về ruột, tim, dịch huyết, răng, lưỡi.
Thổ: Tương ứng với lách và dạ dày, hệ thống tiêu hóa. Thổ quá vượng hay suy đều sinh bệnh dạ dày, sườn, bụng lưng, phổi.
Kim: Tương ứng với phổi và ruột già. Thuộc khí quản, hệ hô hấp. Kim quá vượng hay suy dễ mắc bệnh đại tràng, ho đờm, gan, trĩ, mũi, khí quản, ngoài da.
Thủy: Tương ứng với thận và bàng quang. Thuộc não và hệ thống tiết niệu. Thủy quá vượng hay quá suy dễ mắc bệnh thận, bàng quang, bắp đùi, chân, đầu, tiết niệu, âm hộ, thắt lưng, tai tử cung.
Bệnh lý trong cơ thể vận động theo quy luật âm dương và phụ thuộc vào khí hậu tự nhiên nữa. Bốn mùa biến đổi khác nhau có hàn, thử, táo, thấp, phong, hỏa nên mới có sinh, trưởng, hóa, thu, tàng. Mùa xuân là mùa sinh trưởng trở lại của giới tự nhiên, vị chua đều là thực vật sinh thành có thể thúc đẩy gan hoạt động, mắt nhìn rõ hơn. Mùa hạ khí hậu viêm nhiệt, thực vật vị đắng có thể thúc đẩy công năng của tim và nhờ đó sự vận hành huyết dịch cũng tăng lên. Mùa trung cung thì tỳ vị vận hành khỏe, cơ bắp phát triển đồng thời phổi cũng nở. Mùa thu khô ráo, công năng phế quan thông suốt sảng khoái, tạo điều kiện cho thận hoạt động tốt. Mùa đông lạnh giá, vị mặn có thể giúp thận hoạt động ổn định và thúc đẩy xương tủy phát triển. Nếu khí âm dương trong mỗi tạng phủ bị mất cân bằng theo một tỷ lệ nào đó, thì cơ thể cần một tỷ lệ tương ứng từ bên ngoài bù vào để lập lại sự cân bằng đó. Như vậy sáu thứ khí phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa là lục khí tự nhiên và ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người, cho nên muốn phát hiện bệnh trạng một cách khách quan, y học cổ truyền phải thông qua tứ chẩn: Vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (bắt mạch, sờ nắn) để rút ra những nhận xét chính xác nhất về bản chất căn bệnh.
N. Thuật xem xét người (tướng thuật)
Thực tế cho thấy khi sinh sống trong những hoàn cảnh địa lý khác nhau, con người cũng có những đặc điểm văn hóa, phong tục, hình dáng, khí chất khác nhau. Như nước ta trải dài hơn 2.000km từ Bắc xuống Nam, ngoài phương ngữ khác nhau còn thấy cả sự khác biệt đặc trưng về phong cách, lối sống, cá tính, nước da, ngoại hình… Người ta cho rằng: Tính tình gốc ở sông núi mà ra và gốc còn phát ở nguyên thần. Cho nên trong đi với trong, đục đi với đục, cao đi với cao, thấp đi với thấp. Người lành tìm đến nhau, kẻ ác tìm người ác. Từ đó, tướng thuật được sử dụng để nghiên cứu bản chất tướng mạo và thiên tính con người. Các nhà nhân diện học chia ra 5 mẫu người theo ngũ hành là:
- Mộc thẳng tính, ôn hòa, người thịnh mộc thì tầm vóc cao, chân tay dài, phong cách đẹp, khóe miệng tươi, sắc mặt trắng xanh. Có lòng bác ái thương người, thanh cao khẳng khái, chất phác không giả dối. Người mộc suy thì vóc gày, tóc thưa, tính khí hẹp hòi, đố kỵ bất nhân.
- Hỏa tính nóng nhưng tình cảm, lễ độ. Người thịnh hỏa thì đầu nhỏ chân dài, vóc người trên nhọn dưới nở, mày rậm, tai nhỏ, tinh thần hoạt bát, cung kính lễ độ với mọi người, tính khí gấp gáp. Người hỏa suy thì gầy nhọn vàng vọt, nói năng ề à dối trá, cay độc, làm việc có đầu không có đuôi.
- Thổ tính tình đôn hậu. Người thổ thịnh thì thắt lưng tròn, mũi nở, lông mày thanh tú, mắt đẹp, tiếng nói vang và lưu loát, trung hiếu, chân thành, độ lượng, giữ lời hứa, hành động chắc chắn kết quả. Người khí thổ mạnh quá thì đầu óc cứng nhắc, hiểu biết chậm chạp, tính tình hướng nội, thích trầm tư. Người thiếu thổ sắc mặt ủ rũ, mặt mỏng, mũi ngắn, lòng dạ độc ác, bất tín, vô tình nghĩa.
- Kim tính tình cương trực mãnh liệt. Người kim thịnh thì không béo, không gầy, mặt trắng trẻo, lông mày cao, mắt sâu, sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn, tác phong quyết đoán, trọng nghĩa khinh tài, tự trọng cao. Người kim mạnh quá thì hữu dũng vô mưu, tham lam thái quá, bất nhân, người thiếu kim vóc dáng gầy nhỏ, tư cách vô tình, có khi nham hiểm, ham dâm háo sát, biển lận tham lam.
- Thủy thông minh, hiền lành. Người thủy vượng sắc mặt hơi đen, nói năng nhẹ nhàng, rành rọt, hay lo cho người khác, túc trí đa mưu, học nhanh hơn người. Người thủy mạnh quá thì hay cãi cọ, tính chấp nhặt linh tinh. Người thiếu thủy thì vóc người thấp bé, tính tình bất thường, nhát gan, vô mưu, võ mồm, hành động không có trình tự.
Trên khuôn mặt cũng được chia làm 8 cung để tiện quan sát vận khí dựa trên màu sắc bắt nguồn từ 5 màu cơ bản của ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm màu đại biểu này chia ra làm hai loại chính và tà sắc. Chính sắc của màu xanh phải xanh lơ như da trời buổi sớm thu, tươi mịn nhưng không bóng. Màu đỏ phải hồng hào như ráng chiều mùa hạ. Màu trắng phải mịn như tuyết, bóng như lòng trứng gà. Màu đen phải đều đặn, tươi mịn. Màu vàng phải nhạt và sáng như lông tơ gà vịt mới nở. Nếu không đúng yêu cầu như trên, thì tất cả đều là tà sắc. Từ những lý thuyết sắc màu này, người ta ứng dụng vào môn sắc diện học để nghiên cứu những biến thái khác nhau của tâm sinh lý con người. Ví dụ: Màu xanh xám hiện lên hai bên mắt, thì bệnh tật ập tới. Hai khóe mép nổi gân xanh, dễ bị ngộ độc thức ăn, đồ uống; nếu giữa trán có sắc đỏ, dễ có tai họa do đánh nhau hoặc tranh tụng gay gắt. Hai má đỏ bầm như tụ máu, sẽ gặp nạn trong ngục tù, mất sản nghiệp, tinh thần bị giày vò; trên trán có màu vàng sáng, là gặp may mắn về tiền bạc hoặc chức vụ. Hai má cùng màu vàng, gặp may mắn trong làm ăn, đặc biệt đầu tư nhà đất; vầng trắng dưới môi, là tai nạn xe cộ trên đường. Chính giữa ấn đường, gặp hại với lục thần hoặc tang chế của gia đình; ngũ tuyệt nguy hiểm đến tính mạng là Tâm tuyệt: Hai môi túm cong lại, màu đen đúa khô; can tuyệt: Cứng miệng há ra không ngậm lại được, vành mắt đen; Tỳ tuyệt: Môi xám xanh đen thu nhỏ lại, mặt vàng sậm; Phế tuyệt: Mũi đen xạm, da mặt khô xọp đi; Thận tuyệt: Hai tai xám đen, bị ù hoặc điếc hẳn, chân răng rỉ máu.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thuật tướng còn phân chia màu da, giọng nói theo ngũ hành, phân loại các kiểu dáng hình tướng và các bộ phận mắt, mũi, tai, chân, tay để làm cơ sở nhận định về một người…