Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Hồng và miền Trung: Vấn đề cấp bách

Đời sống - Ngày đăng : 07:34, 01/10/2012

(HNM) - Thiên tai, hạn hán, lụt bão… ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường nhưng hệ thống thủy lợi ở nhiều nơi đang xuống cấp nghiêm trọng. Các chuyên gia thủy lợi cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là phải bảo đảm an ninh dòng chảy và chống xâm ngập mặn.

Nhiều chuyên gia nhận định hệ thống công trình thủy lợi tại hai khu vực Đồng bằng sông Hồng và miền Trung cần được quy hoạch và đầu tư mới. Tại Đồng bằng sông Hồng, vấn đề đặt ra là tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh, nguồn nước suy giảm với sự biến đổi lòng sông Hồng, tiêu chuẩn về tiêu thoát nước, phòng chống lũ thay đổi…

Trạm bơm dã chiến Phù Sa (Sơn Tây).


Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, đến năm 2070 tổng lượng dòng chảy mùa cạn kiệt ở lưu vực sông Hồng giảm 19% và mùa lũ mực nước tại Hà Nội có thể đạt cao trình +13,24 xấp xỉ cao trình đỉnh đê hiện nay +13,40. Thực trạng này đặt ra khả năng lũ cao trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô. Cùng với đó, chế độ mưa thay đổi kết hợp với đô thị hóa và công nghiệp hóa dẫn đến nhu cầu tiêu dùng nước gia tăng đột biến, khiến nhiều hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu cấp nước.

Khu vực miền Trung lại phải đối phó với nguy cơ nước biển dâng 28-33cm, dòng chảy các sông giảm trong mùa khô so với hiện tại từ 3-17%, tăng trong mùa lũ 3-9%. Đáng ngại hơn là hệ thống đê, tuyến đê chưa đầy đủ và tỷ lệ kiên cố hóa ở mức thấp. Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, mực nước biển đã tăng 20cm trong vòng 50 năm qua đang ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Hồng và dải ven biển quan trọng bao gồm các vùng cửa sông nhỏ. Nếu không có những hành động kịp thời như gia cố đê kè và cải thiện hệ thống thoát nước, mực nước biển dâng cao 1m  tính trung bình dọc theo bờ biển Việt Nam sẽ gây ngập lụt khoảng 17.423km2 (tương đương 5,3% tổng diện tích đất cả nước), trong đó có 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng và hơn 2,5% các tỉnh ven biển miền Trung.

Trong khi đó, hệ thống công trình thủy lợi ở hai khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 55 hệ thống thủy nông, thủy lợi bảo đảm tưới cho hơn 760.000ha, tiêu khoảng 510.000ha. Tuy nhiên, các công trình tiêu nước vùng ven biển hầu hết đều là hệ thống tiêu tự chảy, khi mực nước biển dâng sẽ gặp nhiều khó khăn, diện tích và thời gian ngập úng tăng lên tại nhiều khu vực. Đa số công trình hồ chứa nước được xây dựng từ cách đây khoảng 40 năm, phần lớn xuống cấp, thiếu an toàn trong mùa mưa, lũ.

Hà Nội hiện có 1.164 trạm bơm với tổng số 3.356 máy bơm các loại. Hầu hết các trạm bơm được xây dựng từ cách đây 30 đến 40 năm, hiệu suất bơm giảm, hiệu quả bơm thấp, hệ thống điện hạ thế của một số trạm đã sử dụng nhiều năm dễ gặp sự cố khi hoạt động dài ngày. Cạnh đó, một số trục tiêu chính như sông Nhuệ, sông La Khê, sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê… do nhiều năm chưa được nạo vét và đang trong tình trạng bị bồi lắng gây thu hẹp dòng chảy, hiệu quả tiêu nước thấp. Đáng lo ngại hơn là tình hình vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng nghiêm trọng, việc ngăn chặn, giải tỏa vi phạm còn nhiều hạn chế… Thêm nữa, hệ thống công trình cũ chưa đáp ứng nhiệm vụ mới do tốc độ đô thị hóa nhanh nên áp lực tiêu úng cho Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn.

Theo nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực thủy lợi, vấn đề mấu chốt mang tính chiến lược của quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung là phải bảo đảm an ninh dòng chảy và chống xâm ngập mặn. Để làm được điều này cần chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn và xây dựng được các hồ chứa nước trên thượng nguồn các dòng sông nhằm cắt lũ trong mùa mưa và tích trữ, ổn định cấp nước cho mùa khô; đồng thời nâng cấp hệ thống đê sông để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Tại các cửa sông và tỉnh ven biển phải xây dựng hệ thống cống, đập để chống nước biển dâng và xâm ngập mặn; nâng cấp và hoàn thiện đê biển và các cống dưới đê; dọc ven biển cần phải bổ sung trồng thêm rừng ngập mặn. Bên cạnh đó vùng Đồng bằng sông Hồng cần đầu tư xây mới, nâng cấp, hiện đại hóa gần 300 hồ đập, gần 600 trạm bơm để bảo đảm nhiệm vụ tưới và khoảng 400 trạm bơm, cống tiêu và xây mới 140 công trình để bảo đảm nhiệm vụ tiêu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung để thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các cơ quan quản lý thủy lợi sẽ xây dựng, trình lên Chính phủ xem xét, phê duyệt những bản quy hoạch mới trong phạm vi 11 tỉnh, thành lưu vực sông Hồng, diện tích tự nhiên hơn 21.000km2, dân số gần 20 triệu người và 12 tỉnh, thành miền Trung từ Thanh Hóa tới Khánh Hòa với diện tích tự nhiên 84.726km2 và dân số 18 triệu người. Các quy hoạch nhằm nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi hiện nay, bảo đảm chủ động cấp nước, tiêu thoát nước... Đồng thời, có các giải pháp thủy lợi tổng thể nhằm chủ động phòng chống lũ, chống ngập, ổn định và phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Chí Đạo