Những người góp phần làm nên lịch sử
Chính trị - Ngày đăng : 07:10, 09/12/2022
Kiên cường làm nhiệm vụ
Với vai trò là Bí thư Thành đoàn Hà Nội năm 1972, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Lợi chia sẻ, trước khi máy bay B-52 ném bom vào Hà Nội, Thành đoàn đã xuống Hải Phòng học tập kinh nghiệm chiến đấu và tìm hiểu về loại máy bay này. Vì vậy, khi B-52 bắn phá Hà Nội, lực lượng thanh niên đã thể hiện rõ tinh thần kiên cường.
“Trong những ngày máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Thành đoàn tại trụ sở Thành đoàn 19 Lý Thường Kiệt. Buổi làm việc đã nhiều lần dừng lại bởi tiếng còi báo động có máy bay địch. Tại đây, đồng chí Bí thư Thành ủy đã nghe Ban Thường vụ Thành đoàn báo cáo tình hình phong trào “Ba sẵn sàng” và cho ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Ba sẵn sàng” trong tình hình mới”, nguyên Bí thư Thành đoàn Phạm Lợi nhớ lại.
Sau buổi làm việc đó, Ban Thường vụ Thành đoàn đã họp bàn việc chỉ đạo phong trào “Ba sẵn sàng”, xây dựng các tập thể thanh niên kiên cường thắng Mỹ, các đội xung kích, bến phà, cung đường thanh niên kiên cường thắng Mỹ.
Từ đó, nhiều điển hình như: Đội cảm tử Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Gỗ Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Quang Trung... đã xuất hiện. Điển hình là nhóm 3 thanh niên Nhà máy Cơ khí Quang Trung làm nhiệm vụ quan sát máy bay địch. Mỗi lần địch ném bom, bắn phá, 3 thanh niên ôm chặt lấy nhau, đứng vững trên tầng cao làm nhiệm vụ...
Sau 12 ngày đêm, lực lượng thanh niên Hà Nội lại tiếp tục phát huy tinh thần “Ba sẵn sàng” bằng việc đẩy mạnh sản xuất, thi đua giành năng suất lao động cao và tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh. Họ có mặt ở Khâm Thiên với nhiệm vụ nhanh chóng khôi phục đổ nát để nhân dân có chỗ ở; xung kích vào việc khó để khôi phục sản xuất tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn...; tăng năng suất lao động tại các nhà máy, xí nghiệp...
Vững vàng bản lĩnh
Có mặt trong đội hình tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động trong đêm 22-12-1972, bằng những đường đạn chính xác, cô công nhân Ngô Thị Hiếu cùng đồng đội đã bắn rơi chiếc máy bay F-111. Đây là chiến công đầu tiên tiêu diệt máy bay F-111 của tự vệ Thủ đô.
Với chiến công này, liên đội tự vệ (gồm tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên, Nhà máy Cơ khí Mai Động và Nhà máy Gỗ Hà Nội) được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Các xạ thủ xuất sắc Phạm Thị Viễn và Ngô Thị Hiếu được tặng Huy hiệu Bác Hồ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về giai đoạn lịch sử 50 năm về trước, nữ tự vệ Ngô Thị Hiếu nhớ lại: “Với tinh thần vừa sản xuất, vừa chiến đấu nên chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Lúc 21h45 ngày 22-12-1972, nhận tin báo có máy bay bay vào Hà Nội, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Hoàng Minh Giám là bộ đội chuyên nghiệp, các khẩu pháo của liên đội chúng tôi đồng loạt quay về hướng sông Hồng. Sau khi nhận lệnh, liên đội đồng loạt nổ súng và ngay hôm sau nhận được tin báo máy bay rơi tại thị xã Hòa Bình, dân quân thị xã Hòa Bình đã bắt sống được 2 phi công”.
Hào hứng chia sẻ về khoảnh khắc làm nên chiến công của đại đội tự vệ nhưng dù đã 50 năm trôi qua, nữ xạ thủ Ngô Thị Hiếu vẫn không giấu được xúc động khi bày tỏ: “Vui trong niềm vui chiến thắng, được vinh dự đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và biểu dương, nhưng chúng tôi cũng buồn với nỗi đau, mất mát của đồng đội và nhân dân...”.
Người đồng đội mà bà nhắc đến là xạ thủ Phạm Thị Viễn - người mang vành trắng khăn tang bên mâm pháo năm xưa của Đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Năm 1967, nhà bà Phạm Thị Viễn trúng bom khiến mẹ bà qua đời. Biến đau thương thành hành động, Phạm Thị Viễn đã tham gia Trung đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động. Ngày 22-12-1972, giặc Mỹ bỏ bom khu tập thể nhà máy, Phạm Thị Viễn cùng đồng đội được phân công đến giải quyết hậu quả. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị chuyển đến trận địa mới.
“Vừa lắp đặt các khẩu pháo và đề ra các phương án tác chiến, mọi người trong đơn vị đang chuẩn bị ăn chút mì lót dạ thì một tốp máy bay giặc Mỹ kéo đến. Sau khẩu lệnh của chỉ huy, chúng tôi nhanh chóng bắn điểm xạ 19 viên đạn vào tốp máy bay này. Bắn xong, chợt nhìn lên bầu trời, chúng tôi thấy một chiếc máy bay đen xì, có một quầng lửa ở đuôi bay qua trận địa. Sáng hôm sau, cấp trên thông báo đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát cánh cụp, cánh xòe F-111A của Mỹ”, bà Phạm Thị Viễn nhớ lại.
Ngày 26-12-1972, các khu dân cư của Hà Nội như phố Khâm Thiên, ga Yên Viên, xã Uy Nỗ... ngập trong khói bom. Cũng trong đêm ấy, một loạt B-52 bất ngờ dội bom xuống làng Tương Mai, bố bà đã qua đời trong trận bom đó. Được đơn vị cho về nghỉ 3 ngày, sau đó, Phạm Thị Viễn trở lại trận địa với vành khăn tang tiếp tục bám trụ trên mâm pháo cùng quân và dân Hà Nội đánh giặc, bảo vệ Thủ đô.
12 ngày đêm bên trận địa
Là chiến sĩ pháo cao xạ biên chế thuộc Trung đoàn 212, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, chiến sĩ Chu Hà Châu được giao làm nhiệm vụ quân bưu, bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt cho đơn vị và cùng đồng đội thay phiên nhau trực ngày đêm ở ụ súng bên bờ đê sông Đuống để bắn máy bay bay thấp theo dòng sông Đuống. Với nhiệm vụ quân bưu, ông phải bảo đảm truyền tài liệu từ trung đoàn xuống các đơn vị và cấp trên liên tục ngày đêm.
“Đêm 18-12-1972, máy bay chiến thuật F-4, F-111 và B-52 rải bom từ Yên Viên kéo dài qua sông Đuống sang làng Giang Biên (huyện Gia Lâm), tôi được lệnh nhận nhiệm vụ vào giúp dân. Lúc đó là 22h và đã hết đợt bom đầu tiên, hai làng thuộc xã Giang Biên bị thiệt hại nặng nề. Tôi cùng cán bộ địa phương đến từng nhà, vừa giúp người bị thương, vừa khắc phục hậu quả. Xong nhiệm vụ là lúc 1h ngày 19-12, chúng tôi lại được lệnh xuống trận địa C71 ở Yên Viên gần đó để nối mạch giao liên bảo đảm thông tin cho đơn vị. Trời tối, hai anh em lần mò từng đầu dây. Súng vẫn bắn, bom vẫn thả trên trời nhưng chúng tôi quyết tâm nối lại máy để bảo đảm cho cấp trên liên lạc. Hoàn thành nhiệm vụ tại trận địa C71, đồng chí tham mưu trưởng lại giao nhiệm vụ về ngay kho thông tin của trung đoàn ở phố Bò (huyện Gia Lâm) để máy lên trang bị cho đơn vị. Với phương tiện di chuyển là xe đạp nhưng khi qua cầu Đuống, địch đã cắt mất một nhịp, chúng tôi phải đi cầu treo tròng trành, về đến đơn vị thì trời đã sáng”, ông Châu nhớ lại.
Đến ngày 26-12-1972, giặc Mỹ đồng loạt đánh phá các trận địa phòng không của ta, tập trung vào trận địa tên lửa. Lúc 15h, chiến sĩ Chu Hà Châu lại nhận được nhiệm vụ đưa tài liệu khẩn cho đơn vị bảo vệ Tiểu đoàn Tên lửa 93 ở Từ Sơn (Hà Bắc cũ), tài liệu phải đến tay người nhận trước 18h. Suốt cả chặng đường từ cầu Đuống lên Từ Sơn không một bóng người. Ông vượt qua ga Yên Viên, lửa vẫn cháy ngút trời. Lên đến đơn vị, giao được tài liệu cho đồng chí tham mưu phó trung đoàn thì trời bắt đầu tối...
“Trong suốt 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, tôi gần như không ngủ, khi thì thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đơn vị giao, lúc giúp địa phương khắc phục hậu quả của các trận bom Mỹ vừa đổ xuống”, ông Chu Hà Châu chia sẻ.
Với những thành tích đặc biệt trong công tác phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chiến sĩ Chu Hà Châu đã được cấp trên tặng Bằng khen, đơn vị được đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng về thăm, động viên và tặng quà...
Sau 50 năm, hình ảnh Thủ đô Hà Nội bị tàn phá, ký ức về những ngày tháng anh hùng, chiến công anh dũng… của quân và dân Hà Nội một lần nữa được sống dậy thật cảm động qua ký ức của những nhân chứng đã làm nên lịch sử.
Với những người làm nên chiến thắng ấy, họ vẫn đang truyền lửa cho thế hệ trẻ bằng cách giáo dục truyền thống, kể chuyện lịch sử trong mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng hay trong Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Những việc làm nhỏ bé của họ góp phần để thế hệ trẻ của Thủ đô mãi ghi nhớ và tự hào về những ngày gian lao mà anh dũng năm xưa.