Thiếu cương quyết trong xử lý
Đời sống - Ngày đăng : 21:32, 30/09/2012
Theo đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp, còn tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa xử lý được, thì thực tế lại phát sinh thêm nhiều vụ vi phạm mới có tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; xẻ đê làm dốc; đổ đất, phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông; xây dựng trái phép trong chỉ giới thoát lũ… Những vi phạm này ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ, bãi sông, ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Trong số những trường hợp vi phạm phải kể đến Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch (CPSX&DVDL) Chèm đóng trên địa bàn xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm.
Vi phạm trong một thời gian dài
Công ty được thành lập khi cổ phần hóa Xí nghiệp Vật liệu xây dựng và chế biến lâm sản Chèm theo Quyết định số 2084/QĐ-BNN-TCCB ngày 21-7-2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đại diện phần vốn Nhà nước nắm giữ 60% vốn; Hội đồng quản trị Công ty CPSX&DVDL Chèm có 3 thành viên, trong đó có 2 thành viên do Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cử.
Trước thời điểm tiến hành cổ phần hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CPSX&DVDL Chèm rất khó khăn... Tính đến cuối tháng 9-2003, tổng tài sản của Công ty được định giá chỉ có 1.074 triệu đồng, vốn kinh doanh 750 triệu đồng, nhưng khoản nợ phải trả đã chiếm tới 253 triệu đồng. Giá trị còn lại của máy móc, thiết bị là 457 triệu đồng, số lao động là 49 người… Trong khi đó diện tích đất mà Công ty được giao quản lý, sử dụng lên tới gần 8,5 ha. Toàn bộ diện tích này nằm hoàn toàn trên bãi sông ngoài đê hữu Hồng tương ứng từ K51+800 đến K52+000, điểm gần nhất cách chân đê chính 20m, phía ngoài tiếp giáp với đê bối.
Do vị trí đất Công ty CPSX&DVDL Chèm đang sử dụng nằm ngoài bãi, giáp với sông Hồng, nên các đơn vị, cá nhân đều không mấy mặn mà trong việc hợp tác kinh doanh với Công ty. Vì vậy, Hội đồng quản trị Công ty CPSX&DVDL Chèm đã có “sáng kiến” kêu gọi, mời các cá nhân, đơn vị trong và ngoài Công ty tham gia hợp tác sử dụng đất. Lợi dụng việc “liên doanh, liên kết”, các doanh nghiệp, cá nhân dù ở gần chân đê hay bám ngoài ven sông thi nhau ra sức cải tạo lều lán theo ý mình…
Nhiều dãy nhà xưởng được xây dựng trong khuôn viên của Công ty CPSX&DVDL Chèm bất chấp vi phạm Luật Đê điều |
Theo báo cáo của Hạt Quản lý đê số 1, vi phạm của Công ty diễn ra từ năm 2004 đến nay. Cụ thể, vào tháng 7-2004, xây dựng nhà xưởng với diện tích 150m2; tháng 1-2006, đổ đất tôn cao nền với diện tích 2ha, xây nhà làm việc với diện tích 259m2; tháng 3-2006, xây dựng nhà xưởng với diện tích 964m2; tháng 6-2006 đổ đất, cát tôn cao nền với diện tích 3.000m2 (khu vực giáp đê bối), xây dựng nhà xưởng với diện tích 756m2; xây dựng nhà xưởng với diện tích hơn 300m2; năm 2008 xây dựng nhà xưởng với tổng diện tích 920m2, tường rào chiều dài 45m. Qua kiểm tra cho thấy, các công trình vi phạm như: các dãy nhà xưởng, bãi chứa cấu kết bê tông đúc sẵn chất thành đống cao khoảng 5-7m, bãi tập xe đến nay vẫn tồn tại.
Cần xử lý dứt điểm
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước năm 2007, Công ty CPSX&DVDL Chèm đã vi phạm Điều 11 Pháp lệnh về đê điều và Điều 14 Pháp lệnh về Phòng chống lụt bão; sau năm 2007, Công ty vi phạm khoản 10 Điều 7, Điều 27 Luật Đê điều và Điều 14 Pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Các vi phạm chính là san lấp đất, tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng; xây dựng mới công trình không phép trên bãi sông; mở rộng mặt bằng trong quá trình cải tạo…
Các vi phạm trên đều được cơ quan quản lý đê chuyên trách phát hiện, lập biên bản đình chỉ thi công, báo cáo chính quyền địa phương các cấp; đồng thời, chính quyền xã Liên Mạc đã có nhiều quyết định cưỡng chế, song vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Theo lãnh đạo UBND xã Liên Mạc, chính quyền xã đã nhiều lần xử phạt hành chính các doanh nghiệp trong khu đất này về hành vi xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ nhưng đâu lại vào đó. Chính quyền địa phương phạt cứ phạt, doanh nghiệp cứ ký nhận rồi… nộp phạt và rồi lại tiếp tục vi phạm.
Trên thực tế, nhiều năm qua, Đội quản lý đê điều huyện Từ Liêm cùng UBND xã Liên Mạc đã lập hàng chục biên bản xử phạt hành chính khi phát hiện hành vi xây dựng trái phép trong khuôn viên của Công ty CPSX&DVDL Chèm. Trong đó có cả những quyết định, thông báo cưỡng chế. Tuy nhiên, việc xử phạt không đủ mạnh và không xử lý dứt điểm nên tình trạng xây dựng trái phép kéo dài và ngày càng nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm, UBND xã Liên Mạc cần nghiêm túc thực hiện việc cưỡng chế đối với những công trình vi phạm trên diện tích giao cho Công ty CPSX&DVDL Chèm quản lý; trong đó cần tập trung tháo dỡ 7 công trình vi phạm trong phạm vi 50m lưu không thoát lũ (giữa chỉ giới thoát lũ và chỉ giới xây dựng).