Đừng để chen lấn, xô đẩy trở thành văn hóa mua sắm
Xã hội - Ngày đăng : 18:55, 30/09/2012
Từ thực tế "săn" sale off…
Chỉ cần 1 cú click chuột đơn giản trên các trang mạng là bạn có thể tìm thấy thông tin của hàng trăm cửa hàng Sale với tất cả các mặt hàng: từ quần áo, giày dép, mũ đến túi xách, ba lô,… Sale có thể theo đợt cũng có thể chỉ diễn ra trong một ngày cố định.
Theo thông tin tìm hiểu được từ trang web…, tôi đã có mặt tại 285 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) để có thể tìm hiểu trực tiếp về buổi sale tại nơi đây. Phải 12 giờ Beco mới chính thức mở cửa nhưng mới 11 giờ mà trước cổng đã không còn chỗ trống. Đối tượng chính là các bạn học sinh, sinh viên nữ. Họ đứng tràn xuống cả lòng đường. Người, xe vô cùng nhốn nháo.
Cảnh chen lấn, xô đẩy tại một buổi bán hàng hạ giá ở Hà Nội |
Đúng 12 giờ, cánh cửa chưa kịp mở hết, đoàn người đồng loạt ào vào bằng được. Những cô gái dịu dàng lúc đầu giờ như trở thành một con người hoàn toàn trái ngược. Họ chèn ép, xô đẩy, văng tục thậm chí giẫm đạp lên nhau để tranh bằng được món hàng.
Trong khi tôi còn đang loay hoay thì nhiều bạn đã nhanh tay ôm được hàng đống quần áo, giày dép để xí phần mà có lẽ họ còn chưa kịp nhìn rõ mặt hàng đó như thế nào.
Bạn Nguyễn Thu Trang (sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Vào đây loạn lắm. Mình cứ vơ trước rồi tính sau. Ai nhanh tay thì lấy được nhiều chứ mình cũng chưa chắc là sẽ mua hết. Giá từ 200- 300 nghìn mà giờ Sale chỉ còn 50- 100 nghìn không mua thì về lại tiếc”.
Từ môt căn phòng được bài trí cầu kỳ, bắt mắt thì sau vài phút đã trở thành mớ hỗn độn. Người đứng chen kín phòng. Quần áo, đồ đạc rơi lung tung. Thiếu chỗ nhiều bạn tận dụng ngay kệ đựng giày dép, quần áo làm chỗ đứng.
Không chỉ ở trong shop, những bạn gái đến mua hàng không được vào chen lấn ngoài cổng và lòng đường gây cản trở cho các phương tiện giao thông qua lại. Dù sau đó công an phường đã kịp thời có mặt để giải quyết nhưng khi họ đi khỏi là đâu lại vào đó.
Bác Đỗ Văn Thành - một người dân sinh sống trong khu vực bức xúc: “ Đường vốn đã nhỏ, nhiều xe cộ đi lại mà có gần trăm đứa đứng nhốn nháo ở đây. Xe cộ không gửi mà để ngay trên đường thế này tắc đường là đúng rồi! Mà ở đâu chả mua được quần áo, việc gì chúng nó cứ phải tranh nhau như thế!”
Đến văn hóa mua sắm
Trong thời gian gần đây, chen lấn, giành giật đang trở thành một xu thế hay nói không quá thì nó đã trở thành một văn hóa - “Văn hóa chen lấn”. Có lẽ vì thế mà khi nói đến văn hóa đọc mọi người liên tưởng ngay tới hình ảnh người dân chen lấn tranh giành nhau từng quyển sách trong lễ hội đọc sách. Nói đến văn hóa ẩm thực, chúng ta lại có liên tưởng tới hình ảnh hàng chục người tranh giành nhau món ăn trong bữa tiệc buffer tại một khách sạn lớn tại Hà Nội. Ai cũng mong “cướp món” thật nhiều trong khi không thể ăn hết. Nói đến giao thông là nói đến nạn tắc đường bởi mạnh ai người nấy đi, sẵn sàng chen lên vỉa hè, tranh cãi nhau đến từng chỗ đứng. Nói đến giáo dục chắc hẳn chúng ta cũng nhớ cảnh các bậc phụ huynh chen lấn xô đổ cánh cổng trường Thực Nghiệm chỉ để mua được một bộ hồ sơ cho con…
Những sự việc trên chưa hết nóng thì giờ đây chúng ta lại đang tự mình tạo nên một hình ảnh xấu trong văn hóa mua sắm. Ngày Sale hàng ở Becoshop chỉ là 1 ví dụ điển hình trong số rất rất nhiều những đợt sale hàng khác nhau. Không biết khi nhìn lại những hình ảnh chen lấn, tranh cướp nhau của mình mọi người sẽ có suy nghĩ gì?
Đừng để chen lấn, xô đẩy trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày |
Đừng đổ lỗi cho sự hấp dẫn của hàng tốt, giá rẻ. Đừng vội trách những người xung quanh không gương mẫu khi mà trong mỗi chúng ta lòng tham và sự ích kỷ còn quá lớn. Chỉ cần bản thân mỗi chúng ta có thêm một chút ý thức thì những buổi Sale off nói riêng cũng như cuộc sống nói chung sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Đừng để chen lấn, giành giật trở thành một thứ “văn hóa” trong sinh hoạt hằng ngày.