Cơ hội cho bác sĩ trẻ cống hiến
Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 30/09/2012
Cách đây 10 năm, Trung ương Đoàn đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng triển khai dự án "Tổ chức các đội y bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi". Dự án được tiến hành tại 375 xã đặc biệt khó khăn của 27 tỉnh, thành phố và đảo thanh niên Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Đã có 545 đội viên tốt nghiệp đại học và trung học ngành y được tuyển chọn từ hơn 1.400 hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều khó khăn, bất cập do một số đội viên không được tập huấn, trang bị kiến thức toàn diện nên lúng túng trong các hoạt động ngoài chuyên môn.
Bác sĩ trẻ tình nguyện khám bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa. |
Đề án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo" chính là khắc phục những hạn chế của dự án cách đây 10 năm, trên cơ sở đó góp phần thực hiện một chủ trương, chính sách lớn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Nhà nước ta. Vì vậy dự thảo đề án được Hội Thầy thuốc trẻ tổ chức trưng cầu ý kiến rộng rãi của các chuyên gia ngành y tế và sinh viên các trường y khoa thông qua tọa đàm, diễn đàn trao đổi. Hội còn phát phiếu điều tra thăm dò ý kiến của sinh viên các trường đại học Y Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng.
Tạ Thị Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 5 Đại học Y dược Thái Nguyên bày tỏ mong muốn đề án cụ thể hóa hơn về chế độ chính sách, đặc biệt là trách nhiệm, quyền lợi của các bác sĩ trẻ tình nguyện được thể hiện trong cam kết giữa đội viên tình nguyện với cơ quan chức năng, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện đề án và khi kết thúc đề án. Hà Thị Thanh Tịnh (Đại học Y dược Thái Nguyên) thì cho rằng đề án là cơ hội để những bác sĩ trẻ thể hiện tinh thần xung phong tình nguyện. Bản thân Tịnh đã đăng ký tham gia với quyết tâm góp sức chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân các huyện nghèo.
Đề án thể hiện rõ những ưu điểm có tính vượt trội hơn, thuận lợi cho bác sĩ mới tốt nghiệp, chưa chính thức làm việc ở cơ sở y tế công lập: Thời gian thực hiện đề án 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam; bác sĩ trẻ thuộc diện đề án sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi như được xét biên chế, áp dụng tính lương bậc 2, được bố trí nhà công vụ; sau thời gian công tác sẽ được đào tạo miễn phí chuyên khoa cấp 1; được tạo điều kiện hỗ trợ đất ở nếu ở lại địa phương hoặc ưu tiên thuyên chuyển công tác…
Chủ trương của đề án là không đưa đội viên về cơ sở, mà đưa về công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện. Ngoài thực hiện chuyên môn tại bệnh viện, mỗi tuần các đội viên thay phiên nhau đến thôn, bản thăm khám bệnh cho nhân dân hai ngày trong tuần. Nếu tính lương bậc 2 và cộng các chế độ chính sách đang áp dụng tại huyện nghèo, chế độ hỗ trợ theo đề án thì mỗi bác sĩ trẻ tình nguyện sẽ có thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương cơ bản có thể giúp đội viên ổn định cuộc sống trong thời gian cống hiến sức trẻ cho các địa phương nghèo.
Hiện đã có gần 100 sinh viên năm thứ 5 thuộc các trường đại học y khoa trong cả nước đăng ký tham gia đề án. Hy vọng, đề án được triển khai sẽ giải quyết sự thiếu hụt về nhân lực, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ; khuyến khích tinh thần xung kích của đội ngũ trí thức trẻ ngành y đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở những vùng còn nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế, tại 62 huyện nghèo hiện mới có 34 bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện; mỗi nơi chỉ có từ 6 đến 28 bác sĩ (nơi nhiều nhất có 9 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, nơi ít nhất có 1 bác sĩ chuyên khoa cấp 1). Nếu đề án được thực hiện, sẽ có thêm khoảng 250 đến 300 bác sĩ trẻ bổ sung lực lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các vùng trên. |