Bài 7: Lướt qua “góc khuất” công sở
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 30/09/2012
Bắt đầu từ chuyện hằng ngày trong cuộc sống công sở là tán chuyện. Chuyện gì cũng có thể bàn tán, từ vệ tinh được phóng vào quỹ đạo ra sao, nhật thực toàn phần thế nào đến chuyện riêng tư của người này người kia cũng có thể trở thành đề tài bàn thảo sôi nổi. Trong những lúc như thế, không hiếm gặp từ dùng để chỉ người được nhắc đến trong câu chuyện là "thằng này", "con kia", là những "mỹ từ" khiến người góp chuyện cười ra nước mắt… Nạn "buôn chuyện" nơi công sở là một thực tế, nó không chỉ lấy đi thời gian làm việc của mỗi cá nhân, mà còn là tác nhân gây ra va chạm giữa đồng nghiệp, làm nảy sinh sự mất đoàn kết bởi khi người ta "buôn" thì không thiếu sự chỉ trích cá nhân mà mình không ưa, lại có thể thêm ý "gắp lửa bỏ tay người", thêm thắt những điều không hay, không đúng sự thật hoặc nói quá lên. Gặp người "gắp" giỏi, lại thạo đưa đẩy thì hậu quả không biết thế nào mà lần.
Những cán bộ làm việc nơi giao tiếp rất cần có thái độ đúng mức và tôn trọng người dân. Ảnh: Thái Hiền |
Có thể gặp chuyện đồng nghiệp giáp mặt nhưng tịnh không thấy lời chào hỏi thân mật, lướt qua nhau như chẳng hề quen biết. Có những chuyện nhỏ nhưng hậu quả lớn, đôi khi bắt đầu từ sự vô ý đơn thuần. Một cán bộ trẻ lễ phép chào người hơn tuổi khi gặp ở cầu thang, "lính cũ" vô tình không đáp lại, một hai lần sau "người trẻ" không thèm chào nữa, không loại trừ từ sự vô ý ấy dẫn đến thái độ ghẻ lạnh với nhau, ảnh hưởng đến việc chung.
Lối ứng xử ở công sở còn có những chuyện khó gọi tên, nôm na là "tế nhị". Như cách góp ý đơn thuần công việc, không hàm ý cá nhân cũng có thể dẫn đến xích mích, nhẹ thì bằng mặt mà không bằng lòng. "Giữa làng", có người tiếp nhận sự góp ý của đồng nghiệp một cách chân thành, nhưng cũng có nhiều người quan trọng hóa điều được góp ý, ngộ nhận đó là lời chỉ trích, làm ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, thế là "nuôi cơn giận dữ", tìm cách đáp trả. Mối thù tức cá nhân có thể được đẩy lên nếu các phe nhóm tham gia vào, hợp lực "hội đồng" đối thủ. Khi việc công biến thành thù tư thì tất yếu gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc. Trong những trường hợp ấy, nếu lãnh đạo cơ quan không khách quan, hoặc vô ý nghe nhiều từ một phía thì hậu quả từ việc mất đoàn kết lại càng lớn hơn.
Tiến sỹ Lưu Kiếm Thanh (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia) khi bàn về VHƯX từng khẳng định: Hiện nay có những nghi thức giao tiếp chuẩn mực nơi công sở mà cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) phải thực hiện. Nhưng nhiều người vẫn dễ dàng "quên". Chuyện người dân phải "vâng, dạ" trước những "quan trẻ", chuyện nông dân ngoại thành không muốn lên đô thị ở cùng con cháu chỉ vì "trên đó chả ai chào hỏi ai, toàn người xa lạ"… không còn là chuyện hiếm gặp. Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nói với sinh viên của mình rằng: Các em đừng nghĩ khi ra trường, có tấm bằng ĐH trong tay là đã trở thành người có văn hóa. Giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa chính là con người. Sự hoàn thiện nhân cách, giao tiếp ứng xử trong quá trình sống, học tập, công tác sau này của các em chính là chiến thắng lớn nhất của văn hóa. Theo cách lý giải của GS, VHƯX là thước đo đặc biệt để xác lập giá trị của cá nhân hay tổ chức ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, theo đó trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, CB, CC, VC phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc; không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho dân khi thực thi nhiệm vụ… Lý thuyết là thế nhưng thực tế luôn "có chuyện". Ngay tại bộ phận "một cửa" của UBND xã, phường, thị trấn, nơi mà sự phiền hà được cho là đã giảm so với trước, vẫn dễ dàng gặp cảnh không ít "công bộc… hành dân là chính". Anh cán bộ tư pháp này thờ ơ, lạnh nhạt với những câu hỏi của người dân, chị văn thư khác vùng vằng cáu kỉnh, thiếu lễ độ với người lớn tuổi...
Còn có chuyện một số người thực thi nhiệm vụ giữ gìn ANTT làng xã cũng "quên" cách giao tiếp đúng mực, đối xử với dân như với tội phạm mà vụ 4 công an viên xã Kim Nỗ (Đông Anh) mới đây gây thương tích, dẫn đến hậu quả là một người dân trong xã tử vong là ví dụ điển hình. Sự việc sẽ chẳng đau xót đến thế nếu như họ biết kiềm chế thay vì đánh, còng chân, tay dân để thể hiện uy quyền. Việc đơn giản thế, người làng, xã với nhau mà sao lại khó đối xử chân tình? Tất nhiên, không phải ở đâu, lúc nào cũng xuất hiện lối ứng xử bề trên, hách dịch như đã dẫn. Và cũng không phải lúc nào người dân cũng nhận thức đúng về quyền, nghĩa vụ liên quan khi giao tiếp với CB, CC, VC cơ quan công quyền. Sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau phải đến từ hai phía. Trong nhiều trường hợp, chính tâm lý muốn "được việc bằng mọi giá" của người dân là yếu tố đẩy cán bộ nảy sinh thói cửa quyền, tiêu cực, hình thành tâm lý xin - cho. Nhiều người phản ánh sai sự thực, gây hiểu lầm về cán bộ cơ sở.
Chuyện ứng xử, giao tiếp nơi công sở không thể gói trong một bài viết nhỏ, chỉ biết chắc đó là vấn đề quan trọng đối với hiệu quả công tác chung. Tâm lý hơn - thua mang tính cá nhân, đặt mục đích tư lợi khi thi hành công vụ, thái độ cửa quyền, lợi dụng quyền hạn được giao… đều là những nhân tố gây nguy hiểm, cần phải dẹp bỏ bằng nhiều cách. Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội đang được triển khai có thể giúp đạt được mục tiêu đó.
Không chỉ có "duyên thầm"… Trong con mắt những vị khách nước ngoài, Hà Nội có những nét khác biệt đủ để họ không nhầm lẫn Thủ đô của Việt Nam với bất cứ đô thị nào khác trên thế giới. Dù vậy, những nhận xét nhẹ nhàng và tinh tế của họ về một vài nét ứng xử chưa đẹp của người dân cũng đáng để suy ngẫm. * Anh Tạ Hạo Bằng, người Trung Quốc, chuyên viên nghiên cứu thị trường của Công ty Caisheng Holdings L.T.D: Tôi đã sống và làm việc ở Hà Nội được 5 năm. Hà Nội là một thành phố kết hợp giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Phong cách sống của người Hà Nội cũng vậy, vừa giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng vừa theo kịp lối sống hiện đại. Với những người nước ngoài đã ở đây một thời gian dài, họ không phải bị mê hoặc bởi những khách sạn sang trọng hay những cảnh đẹp nổi tiếng mà là bởi một không gian văn hóa ẩn chứa bên trong những con phố, ngõ nhỏ chật chội. Nếu bạn là người nước ngoài và không biết đến văn hóa "mặc cả" chắc chắn bạn sẽ bị mua đắt. Hay văn hóa tặng quà cũng rất lạ, cứ có việc gì cũng phải tặng quà… Nhưng điều khiến tôi rất ấn tượng là bước ra khỏi nhà đã gặp trà đá vỉa hè, bình dị, dân dã giữa thành phố náo nhiệt. Chỉ cần vài ba chiếc ghế, phích nước, một bình trà và điều không thể thiếu là nụ cười tươi tắn của chủ quán cùng dăm ba câu chuyện thời sự, quán trà đá vỉa hè đã giúp người ta gần nhau hơn… Với tôi, đó là nét "duyên thầm" của mảnh đất này. * Ông Sean Crownover, du khách Mỹ, lập trình viên tại Nhật Bản: Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Trước đây, tôi đã nghe bạn bè nói, đất nước của các bạn rất đẹp, con người nơi đây rất thân thiện và mến khách. Và khi tôi đặt chân đến Hà Nội, tôi đã cảm nhận được vì sao họ nhận xét như thế. Người Hà Nội cởi mở, thân thiện và thường hay mỉm cười với tôi. Kể cả khi tôi muốn chụp với họ vài bức hình làm kỷ niệm, họ cũng vui vẻ nhận lời. Tuy nhiên, khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi hơi khó chịu vì bị một số người bán hàng rong và hành khất bám theo. May là cảm giác này nhanh chóng bị xua tan khi tôi gặp những học sinh, sinh viên tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch. Họ đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp bởi sự hóm hỉnh, khả năng giao tiếp, kiến thức về văn hóa và đặc biệt hơn là tình yêu mà họ dành cho Hà Nội. Những gì mà tôi đã trải nghiệm tại mảnh đất này thật đúng như dòng chữ "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" mà tôi nhìn thấy trên đường từ sân bay Nội Bài đến đây. Chắc chắn một ngày không xa, tôi sẽ quay trở lại đất nước các bạn cùng với gia đình. * Ông Henry Nguyễn, Việt kiều Anh, chủ nhà hàng Quê Việt tại London: Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ tôi đã mơ ước mở một nhà hàng để giới thiệu văn hóa ẩm thực của người Hà thành. Đến khi sống và định cư ở Anh, tôi đã biến những mơ ước bấy lâu thành hiện thực khi mở nhà hàng Quê Việt. Đến Quê Việt, ngoài những món ăn truyền thống, mang cốt cách, tinh túy ẩm thực của người Hà Nội, thực khách còn cảm nhận một không gian văn hóa đặc trưng của đất Thăng Long xưa qua cách bài trí, trang phục, đặc biệt qua cung cách ứng xử tinh tế mà tôi đã cố gắng gìn giữ và truyền dạy cho nhân viên. Vừa rồi tôi cũng có đọc báo qua mạng, thấy người ta viết về chuyện "bún mắng, cháo chửi, phở xếp hàng". Tôi nghĩ, kinh doanh ăn uống không thể thành công với cung cách phục vụ ấy nên đó chắc chắn chỉ là hiện tượng cá biệt. Nhưng thi thoảng có dịp về Hà Nội, đi ăn hàng, tôi thấy rằng, văn hóa ứng xử của nhân viên chưa được nhiều nhà hàng quan tâm, dù món ăn rất ngon và ấn tượng. Đây là một điều đáng tiếc! Thu Trang ghi |