Còn nhiều băn khoăn

Giáo dục - Ngày đăng : 07:38, 29/09/2012

(HNM) - Năm học 2012-2013, TP Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung thêm hai trường học chất lượng cao (CLC) là Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) và Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11), nâng mô hình này trên toàn TP lên thành 3 trường.

Một tiết học tại Trường THPT chất lượng cao Lê Quý Đôn.


Hay thì có hay

Ông Phạm Công Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, do mới thực hiện chủ trương của TP về mô hình trường CLC nên năm học 2012-2013, trường chỉ áp dụng cho khối 10, với 13 lớp học. Theo đó, sĩ số mỗi lớp CLC chỉ có 30 em thay vì 45 học sinh như trước đây. Mỗi phòng học đều được trang bị bàn ghế riêng cho từng em, có tủ đựng quần áo và đồ dùng học tập, màn hình trình chiếu, máy vi tính kết nối internet. Mỗi tuần, các em được tham gia ít nhất 1 buổi ngoại khóa, chia ra các nhóm riêng để thực hành. Ngoài ra, nhà trường còn mời 3 giáo viên người nước ngoài về giảng dạy 2 tiết tiếng Anh/lớp/tuần. Trường còn thành lập các câu lạc bộ hóa học, vật lý, khoa học... Tương tự, Trường THPT Nguyễn Du cũng tăng cường thiết bị hiện đại và nâng cấp đội ngũ giáo viên trong việc dạy và học.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, mô hình CLC thực hiện theo chuẩn các trường tiên tiến như sĩ số học sinh trong một lớp không quá 30 em; trang thiết bị giảng dạy và học tập hiện đại; học sinh được học tập và hoạt động 2 buổi một ngày, được phát triển toàn diện như ngoại ngữ, mỹ thuật, thể thao… thông qua các môn tự chọn và được bồi dưỡng phát triển theo hướng cá thể hóa...

Tại TP, mô hình này được Trường THPT Lê Quý Đôn tiên phong triển khai từ năm học 2006 - 2007. Với kinh nghiệm của người đi trước, ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn phân tích: Theo mô hình CLC thì tùy theo từng môn hay chương trình học mà các em sẽ được giáo viên dạy các hình thức khác nhau. Ngoài phương pháp dạy bằng trình chiếu powerpoint, giáo viên còn soạn ra các giáo án điện tử với nhiều hình ảnh và video clip minh họa để giảng dạy. Còn các em được phân thành nhóm thay phiên nhau trình bày kiến thức hay thuyết trình bài tập, sau đó sẽ được các bạn đặt câu hỏi chất vấn. Cách dạy và học này sẽ làm cho bài giảng thêm sinh động, cuốn hút và tăng khả năng tư duy sáng tạo cho các em. "Những tiết học mang tính phản biện cao như vậy sẽ buộc các em đầu tư thật nhiều thời gian cho môn học hơn nữa mới có thể trả lời được những câu hỏi mà các bạn khác chất vấn. Nhờ vậy sẽ giúp các em nhớ bài lâu, lại phát triển được kỹ năng làm việc nhóm, phát biểu trước đám đông!". Ông Phiệt nói. Nhờ mô hình CLC, Trường THPT Lê Quý Đôn có tỉ lệ tốt nghiệp THPT là 100%, tỉ lệ thi đỗ ĐH, CĐ trên 95%, mà không cần phải dạy thêm, học thêm.

Nhưng thách thức không nhỏ

Ông Phạm Công Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cũng phân tích, dù giảm được áp lực về sĩ số nhưng bù lại, giáo viên phải bỏ ra rất nhiều công sức đầu tư cho một tiết dạy để vừa bảo đảm tất cả học sinh hiểu bài, vừa đáp ứng đúng yêu cầu mô hình CLC như: đổi mới phương pháp dạy, vận dụng thành thạo các cơ sở vật chất mới… Muốn làm được vậy, giáo viên phải liên tục thay đổi phương pháp lẫn tư duy dạy trong mỗi buổi học, phải không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thêm… Áp lực này sẽ đặt ra cho các giáo viên nhiều thách thức.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn, chi phí đầu tư cơ sở vật chất cho mô hình trường công lập dịch vụ CLC rất lớn, buộc phải tăng học phí. Trước đây, khi mới triển khai, Trường Lê Quý Đôn mang tiếng là thu học phí cao nhưng mỗi giáo viên chỉ được trả thêm 7.000 đồng/tiết dạy, quá ít ỏi so với công sức giáo viên bỏ ra. Hiện nay dù mức thu học phí mỗi em đã là 890 nghìn đồng/tháng, nhưng Ban giám hiệu nhà trường cho rằng cần phải tăng lên khoảng 40%, bởi khoản đầu tư cho cơ sở vật chất của trường đã bội chi, vượt 38% (theo quy định chỉ 30%).

Tuy nhiên, nếu áp dụng mức thu này sẽ khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Đã có không ít ý kiến băn khoăn việc các trường CLC thu học phí cao gấp 30 lần so với trường công là chưa hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa nói hoài nghi của phụ huynh về phương pháp dạy và các điều kiện học tập đã xứng đáng với mức học phí chưa… Với trường có danh tiếng còn vậy, huống hồ những trường CLC "sinh sau đẻ muộn" sẽ gặp khó đến mức nào.

Gia Bảo