Hà Nội đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:41, 28/09/2012

(HNM) - Mặc dù đã gần kết thúc quý III của năm 2012 nhưng kinh tế Thủ đô vẫn  tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,9%;.....

Cũng trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 8% (đóng góp 3,7% vào mức tăng chung), thấp hơn so với tốc độ tăng cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, chi phí đầu vào tăng, sức mua giảm, lượng hàng tồn kho tăng.

Sản xuất bồn chứa nước inox tại Công ty CP Quốc tế Sơn Hà. Ảnh: Ngọc Hà


Hà Nội đã tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, như tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi, tìm biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN. Ngay từ quý I, các sở, ngành TP đã làm việc với các DN chủ lực hoạt động trên các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng - kinh doanh bất động sản. Trên cơ sở khảo sát thực tế tại hơn 80 DN và gửi phiếu khảo sát đến hơn 500 DN, những khó khăn, vướng mắc của các DN đã được xác định.  Ngoài ra, UBND TP còn phối hợp với các ngành của TƯ tổ chức các hội nghị đối thoại với DN nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Sở Công thương là cơ quan đầu mối, tổng hợp kiến nghị của DN để báo cáo UBND TP. Theo đó, các ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã đều tổ chức các cuộc đối thoại với các DN trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất, chính sách thuế, hải quan, thị trường, lao động... Bằng cách làm đó, dự kiến đến ngày 30-9, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng Hà Nội đạt 851.647 tỷ đồng, tăng 3,63% so với 31-12-2011, tăng 7,31% so với cùng kỳ. Trong đó tiền gửi VND đạt 606.512 tỷ đồng, tăng 12,89% so với 31-12-2011 và tiền gửi ngoại tệ đạt 184.092 tỷ đồng, giảm 3,65% so với 31-12-2011. Nguồn vốn huy động mặc dù gặp khó khăn, nhưng cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển KT-XH và các nhu cầu khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND TP ban hành quyết định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho DN và mở rộng đối tượng, nới lỏng một số điều khoản để được hỗ trợ lãi suất cho các DN trên địa bàn. Hà Nội đã dành nguồn kinh phí hỗ trợ 16 tỷ đồng cho các DN nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh cá thể... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn. Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được triển khai trong năm nay với tổng số tiền tạm ứng là 376 tỷ đồng từ ngân sách TP để dự trữ 10 nhóm hàng thiết yếu. Đến nay đã giải ngân gần 200 tỷ đồng cho các DN dự trữ hàng hóa.  Tổ chức 61 phiên giao dịch việc làm tại 2 trung tâm giới thiệu việc làm của TP và 6 phiên lưu động, có 3.000 DN tham gia, 15.500 lao động được tuyển dụng. Sàn giao dịch việc làm giúp DN tiết kiệm chi phí trong tuyển lao động của DN, giúp người lao động tìm việc làm một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thanh Mai