Ghi ở Bắc Trà My
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 27/09/2012
(HNM) - Cuối chiều 25-9, đang phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My bỗng nghe có tiếng nổ lớn. Lãnh đạo huyện nhìn ra cửa và nói "Đất lại nổ đấy!", vẻ lo lắng hiện rõ. Quả thực người dân Bắc Trà My đã nghe không biết bao nhiêu lần những tiếng nổ như vậy. Sau mỗi đợt đất nổ là những cơn rung chấn, nhẹ thì lắc lư, mạnh thì đổ đồ đạc, thậm chí trẻ con đang đứng còn ngã ngửa. Và sau mỗi đợt đất cựa mình, người dân lại táo tác vọt ra khỏi nhà, lắm hôm phải thức trắng đêm để trực… chạy!
Người dân dựng thêm nhà tạm bằng gỗ ở thôn 3A, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. |
Ngủ gần cửa để chạy cho nhanh
Đêm xuống. Trăng thượng tuần đang đầy dần. Rằm Trung thu sắp đến. Lũ trẻ con mang trống, mang lân tập múa dọc đường từ trung tâm huyện về xã Trà Đốc như thể nỗi sợ hãi do động đất gây ra không cản trở nổi niềm vui của tuổi thơ. Trong khi tâm trí đang cố tập trung nhìn đường để bắt kịp chiếc xe chạy phía trước, mỗi lần tiếng trống vang lên lại khiến tôi giật mình. Qua cầu sông Tranh, con đường trở nên hoang vắng và khó đi hơn. Những nóc nhà sơ sài không làm sáng hơn những ánh đèn leo lét cố hắt ra từ trong nhà.
Trong ngôi nhà gạch, mái lợp tôn ở gần UBND xã Trà Đốc, bà Nguyễn Thị Liễu đang xem ti vi cùng mấy đứa cháu và vợ chồng người con trai lớn. Thấy có khách tận Thủ đô đến, bà Liễu vặn nhỏ tiếng ti vi rồi quay ra nói chuyện. Nhà bà xây từ hồi năm 2009, sau nhiều năm yên ổn, kể từ đầu tháng 9 đến giờ đất rung lắc liên tục. Chỉ vào những vết nứt dọc nhà và trong góc buồng ngủ, bà Liễu nói: "Nhà nứt dữ quá nên người lớn và trẻ con đều phải chuyển ra gian nhà chính. Ăn ngủ đều ở dưới đất và gần cửa nhà. Rứa để chạy cho dễ".
Nhà bà Liễu là một trong số hàng chục hộ của thôn 1, xã Trà Đốc phải thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày kể từ bữa động đất xảy ra liên tục. "Chúng tôi nghe nổ miết. Sợ lắm! Ngủ răng được yên mô! Chỉ sợ ngủ quên mất, không nghe thấy chi rồi không chạy được". Sau nhiều đêm ngủ không yên giấc, trông bà Liễu xanh rớt, hốc hác. Có đêm cả nhà đang ngủ thì đất phát nổ như bom rồi rung lắc dữ dội. Bà chỉ kịp ôm đứa cháu bé đang khóc thét vì sợ, tay dắt đứa cháu lớn cuống cuồng chạy ra đường. Ra tới đường thì thấy xóm giềng cũng đang nháo nhác, xôn xao.
Xã Trà Đốc nằm ngay gần chân đập Thủy điện Sông Tranh 2 nên người dân thường xuyên nghe đất nổ và những ngôi nhà phải chịu những cơn động đất nhẹ thì rung rung, mạnh thì chao đảo. Bà Liễu than thở: “Con đập mấy nghìn tỷ đồng chắc là chịu được động đất nhẹ, chứ còn nhà dân chỉ hơn chục triệu thì không thể chịu được. Mà nếu động đất thì còn chạy được chứ mà vỡ đập thì chẳng biết chạy đâu cho kịp". Bà bảo đã bàn với con trai trưởng là sẽ chạy lên núi cao vừa để tránh lụt vừa đỡ lo động đất.
Rời khỏi nhà bà Liễu, tôi về nhà Chủ tịch UBND xã Trà Đốc để ngủ nhờ. Hồ Văn Lợi là người Cadong, quê ở thôn 4 xã Trà Đốc. Lợi thuê nhà cho gần cơ quan, phần là có mấy đứa cháu cùng quê lên ở cùng để tiện đi học. Lũ trẻ đã ngủ, lăn lóc như củ khoai trên giường cạnh cửa. Lợi cũng đã ngủ, chắc vì mấy bữa nay mệt mỏi vì vừa đi xuống thôn bản lo cho dân, vừa tiếp khách liên tục, lại vẫn phải điều hành công việc của xã. Vừa đặt lưng xuống chiếc chiếu giữa nhà, cái mệt đã kéo tôi chìm vào giấc ngủ.
Chờ và hy vọng…
Đường lên thôn 4, xã Trà Đốc càng đi càng khó, chiếc xe máy của đồng nghiệp nhiều lúc ì ra như thể không muốn leo dốc nữa. Sau khi vượt qua mấy cái ngầm, chúng tôi phải để xe máy ở dưới đường để leo lên điểm trường thôn 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai nằm trên sườn núi. Lúc nghe tiếng trẻ đọc bài, những đôi chân mệt mỏi lại bước nhanh hơn.
Bà Hồ Thị Xoan và chị Lê Thị Lý ở thôn 4 xã Trà Đốc than vãn về những thiệt hại do động đất. |
Cô giáo Đỗ Thị Bích kể, hôm đó đang dạy học bỗng nghe thấy tiếng nổ lớn, đất rung chuyển liên tục, bọn trẻ sợ quá ôm chầm lấy cô. Lớp học mới được xây xong hồi tháng 4 vừa rồi thế mà giờ đã nứt. "Đầu tháng vừa rồi thì chỉ rạn nhẹ thôi, giờ vết nứt càng ngày càng rõ và kéo dài hơn", cô giáo Bích cho biết. Trong ngày 25-9, điểm trường thôn 4 rung rinh 2 lần, lần đầu khoảng 9h sáng, đến 4h chiều lại rung lần nữa kèm theo tiếng nổ. "Sáng nay (26-9), đất cũng bị rung rinh nhẹ", cô giáo Bích nói, giọng đầy vẻ lo lắng vì bản thân cô thì dạy học ở đây, trong khi hai đứa con lại đang học ngoài thị trấn.
Cô bé Lê Thị Liên, 9 tuổi, người Cadong, ngượng nghịu kể: Nhiều đêm đang ngủ thấy nhà rung thì tỉnh dậy, mỗi lần như thế chỉ biết gọi "Nơn ơi" (tiếng Cadong nghĩa là "Mẹ ơi") và ôm chặt lấy mẹ.
Chị Lê Thị Lý, nhà ngay gần điểm trường thôn 4, đang ôm đứa con gái một tuổi ngồi ở chân cầu thang thì kể, gia đình chị ăn cơm cũng nói chuyện động đất, hàng xóm gặp nhau cũng nói chuyện động đất. Chị than vãn: "Buồn quá! Làm ăn không ra cái chi. Lo động đất nên cứ ở nhà thôi không còn đầu óc để đi làm nữa". Trưa chủ nhật vừa rồi (23-9), động đất mạnh đến nỗi đứa con của chị đang đứng trước cửa nhà bị ngã ngửa rồi khóc váng lên. Bà Hồ Thị Xoan, hàng xóm chị Lý cũng hùa vào góp chuyện: "Từ bé đến giờ đã 70 tuổi rồi mà chưa thấy động đất mạnh và nhiều như rứa. Mấy bữa nay bà không dám lên rẫy vì sợ động đất". Đã già nên bà nghĩ nếu có chết thì chết ở nhà vẫn hơn là chết ở ngoài đường, ngoài chợ. Bà kể, có bữa cả nhà đang ăn cơm thì động đất mạnh đến mức đổ hết cả bát canh. Sang đến thôn 3A (khu tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2), xã Trà Đốc, chúng tôi cũng nghe những câu chuyện tương tự. Anh Hồ Văn Lợi, Chủ tịch xã cho biết: "Thôn này nhiều nhà bị nứt và bị hỏng nặng. Một số gia đình đã dựng nhà tạm bằng gỗ để chuyển ra ở mà không dám ở nhà xây". Riêng nhà của bà Hồ Thị Thổ, thôn 3A, xã và huyện đã không ký vào biên bản bàn giao từ Ban QLDA Thủy điện Sông Tranh 2. Nguyên nhân là vì những trụ nhà được xây mới nhưng lại bị nứt vì động đất người dân không thể ở được. "Chúng tôi đề nghị Ban QLDA Thủy điện Sông Tranh 2 phải làm lại trụ bằng cốt thép nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh chi", anh Lợi cho biết thêm.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, sáng 25-9, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống các xã bị ảnh hưởng nặng để nắm tình hình và động viên người dân. Đồng thời, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cấp gạo hỗ trợ khẩn cấp cho người dân của hai xã Trà Đốc và Trà Bui, mỗi khẩu 30 kg. Trong đợt động đất này, thôn 3A xã Trà Đốc có nhiều nhà bị thiệt hại nặng. Theo ông Tuấn, động đất xảy ra liên tục khiến người dân hoang mang, không chịu ra rẫy thu hoạch lúa. Trước tình hình này, huyện đã cử các đoàn xuống tận thôn bản trấn an, động viên bà con ra rẫy thu hoạch lúa để có cái ăn. Đồng thời, UBND huyện đã báo cáo lên tỉnh để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bà con. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ những nhà bị nứt, hư hỏng nặng do động đất, mỗi nhà 3 - 4 triệu đồng, nhà bị nứt nhẹ thì 1 triệu đồng, để bà con kịp thời sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tính đến chiều 26-9, tổng cộng có khoảng 170 ngôi nhà bị nứt, hư hỏng tại các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Sơn, Trà Tân và thị trấn Trà My; 3 trường học tại xã Trà Đốc bị nứt.
Người dân ở xã Trà Đốc lo lắng như thế nào thì người dân ở Trà Tân, Trà Bui, thị trấn Trà My cùng các xã lân cận cũng hốt hoảng không kém. Người dân thì hoang mang lo sợ, còn chính quyền vất vả lo ngược lo xuôi. Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cho biết đã làm hàng trăm văn bản báo cáo, đơn kiến nghị trong hơn một năm từ khi trận động đất đầu tiên xảy ra, để gửi lên tỉnh. Nhưng tỉnh cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân bình tĩnh chờ và hy vọng thời gian tới cơ quan chuyên môn sẽ sớm tìm ra nguyên nhân động đất và có biện pháp khắc phục, ổn định đời sống cho nhân dân.