Tỏa sáng lịch sử, tôn vinh bản sắc
Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 27/09/2012
(HNM) - Trong những ngày đầu tháng 10 tới đây, Bắc Giang sẽ đón nhận Bằng di sản tư liệu thế giới Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là vùng An toàn khu II.
Dịp này, Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ 5 năm 2012 cũng được tổ chức. Truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc Bắc Giang thêm một lần tỏa sáng.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang.
Đặc sắc và độc đáo
Như nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản chương trình nghệ thuật "Bắc Giang - Ký ức tỏa sáng" của Lễ đón nhận Bằng di sản tư liệu thế giới Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, quyết định công nhận 16 xã của Hiệp Hòa là An toàn khu II (tối 5-10), Bắc Giang không phải là nơi tiềm ẩn mà là nơi chứa đựng những nét văn hóa vô cùng đặc sắc và độc đáo.
Nhắc đến Bắc Giang, người ta luôn nhớ đến những ngôi đình cổ, những ngôi chùa được xây dựng từ đời Lý với mộc bản Kinh Phật tại tổ đình Vĩnh Nghiêm vừa được công nhận là Di sản ký ức của thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, liên quan đến sự ra đời, hình thành và phát triển của Thiền Phái Trúc Lâm - tập đại thành của văn hóa Phật giáo - Triết học - văn hóa tâm linh đặc sắc Việt Nam, trung tâm truyền bá Phật giáo và trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam… Các bộ ván kinh ra đời từ 700 năm trước là kho sách cổ vô cùng quý giá do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm cho khắc tạc trên những tấm ván xẻ từ những cây thị trồng trong khuôn viên nhà chùa mà nay gốc vẫn còn ở đó. Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc. Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta. Chương trình nghệ thuật "Bắc Giang - Ký ức tỏa sáng" được viết như một bản trường ca hùng tráng với 3 chương: Giao hội và tinh kết, Khí phách hào hùng và Di sản thăng hoa. Được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam nên chương trình sẽ góp phần giúp cho người xem cả nước nhớ về lễ hội Yên Thế và người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám ngót 30 năm chống giặc vì mục đích giữ gìn "phong tục đất nước"; biết đến 16 xã của huyện Hiệp Hòa, nơi trước cách mạng Tháng Tám là địa bàn quan trọng để Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các tỉnh, nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cấp cao của Đảng thời kỳ đó.
Kết tinh và lan tỏa
Bề dày truyền thống văn hóa chính là "chất liệu" làm nên hàng loạt các hoạt động văn hóa diễn ra trong ba ngày (từ 5 đến 7-10) tại Bắc Giang. Ngoài lễ đón nhận và chương trình nghệ thuật tổng hợp còn có liên hoan ca múa nhạc dân gian với sự tham gia của các huyện, thành phố, trường chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, mỗi đơn vị sẽ góp một chương trình ca múa nhạc dân gian hoặc tổng hợp, khai thác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Trong ba ngày hội, mỗi đơn vị sẽ dựng tại chỗ một trại văn hóa, trưng bày những hiện vật, hình ảnh nêu bật đặc trưng văn hóa của vùng đất - con người, các di sản văn hóa, sản phẩm tiêu biểu, trong đó chú trọng tới các món ăn, đồ uống truyền thống, để khách có thể tìm hiểu, yêu thích, coi đây như là một điểm đến, từ đó giúp địa phương phát triển du lịch. Hàng loạt giải thể thao như thi vật dân tộc, đẩy gậy, kéo co, cờ bỏi, bắn nỏ cũng sẽ được tổ chức.
Với mục đích góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đối với việc gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, các trò chơi dân gian, trình diễn các nghề thủ công truyền thống... sẽ diễn ra trong suốt ba ngày hội. Đến với Bắc Giang những ngày này, chắc chắn người ta sẽ hiểu hơn về hát ống - hát ví, một hình thức sinh hoạt cộng đồng được nhà văn Nguyễn Khắc Phục đánh giá rằng, "nó không chỉ là những ống nứa bịt da trâu nối với những sợi tơ mà nó tượng trưng cho mạch ngầm văn hóa chảy xuyên suốt, liên tục hàng nghìn năm của cộng đồng cư dân xứ Bắc". Đến với những buổi trình diễn hai di sản văn hóa quan họ và ca trù, người xem sẽ hiểu hơn quan họ cổ bờ bắc sông Cầu đã góp phần làm nên quan họ Kinh Bắc như thế nào và khám phá thêm diện mạo riêng của ca trù xứ Bắc bên cạnh những ca trù Thăng Long - Hà Nội - Bắc Ninh - Hà Tĩnh…
Truyền thống văn hóa ấy đã cắt nghĩa nguồn cội sức mạnh nào làm cho các thế hệ người Bắc Giang vừa rất tài hoa, rất nghệ sĩ, vừa sẵn sàng đứng lên cầm vũ khí chiến đấu vì đại nghĩa dân tộc… mà tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa Yên Thế của người anh hùng áo nâu Hoàng Hoa Thám và sau này là "các làng Đỏ" An toàn khu II Hiệp Hòa. Đó cũng chính là nguồn sức mạnh để Bắc Giang vươn tới những tầm cao mới trong thời kỳ mới.