Tiếp sức doanh nghiệp giữ tốc độ tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 26/09/2012

(HNM) - Sẽ có 5 trong tổng số 30 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà TP Hồ Chí Minh đề ra cho năm 2012 không đạt kế hoạch, trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng GDP và xuất khẩu. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, TP sẽ hướng tới việc tiếp tục ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) để góp phần thúc đẩy tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra.

Tình trạng SXKD gặp nhiều khó khăn khiến tăng trưởng GDP khó đạt chỉ tiêu.

Doanh nghiệp vẫn "mắc kẹt" trong vốn và lãi suất

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8, tất cả NH trên địa bàn đã thực hiện xong việc giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%. Cụ thể, có 78% tổng dư nợ đã được đưa về lãi suất dưới 15%; 22% còn lại vay với lãi suất trên 15% chủ yếu gồm 3 khoản: chứng khoán, tiêu dùng và bất động sản. NH đã cơ cấu lại nợ cho hơn 3.500 khách hàng với tổng dư nợ 31.018 tỷ đồng; điều chỉnh cho vay mới và trả nợ cũ cho hơn 40.000 lượt khách hàng với tổng dư nợ là 146.740 tỷ đồng. NH cũng đã giải ngân được 68.854 tỷ đồng cho 4 lĩnh vực ưu tiên (DN nhỏ và vừa là 38.813 tỷ đồng, nông nghiệp và nông thôn 11.873 tỷ đồng, xuất khẩu 14.140 tỷ đồng và công nghiệp phụ trợ là 4.523 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 8 chỉ mới đạt 0,8%.

Tuy nhiên, khác với công bố của NH, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, nói lãi suất đã về 13%-15% là nói trên lý thuyết, còn thực tế nhiều DN vẫn phải vay lãi suất 17% - 20%. Ông Huỳnh Văn Minh cũng khẳng định rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn NH, mà bằng chứng là con số 8 tháng tăng trưởng tín dụng chưa được 1%.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 10% GDP

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong 9 tháng đầu năm đạt 404.720 tỷ đồng, tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 10%). Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Văn Rê đánh giá, trong tình hình khó khăn chung thì đây là mức tăng trưởng hợp lý. Điều đáng mừng là kinh tế TP Hồ Chí Minh có chiều hướng tăng trưởng trở lại khi GDP quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I tăng 7,4%, quý II tăng 8,7% và quý III tăng 9,6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cũng tháng sau cao hơn tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu dù giảm so với cùng kỳ (nếu không tính dầu thô giảm 1,1%) nhưng xuất khẩu tháng 9 cũng cao hơn tháng 8. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn chung, dự báo sẽ có 5 trong tổng số 30 chỉ tiêu phát triển KT - XH cho năm 2012 mà thành phố đề ra sẽ không đạt kế hoạch. Trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng là GDP cả năm sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 9,2% so với mục tiêu đề ra là từ 10% trở lên. Kim ngạch xuất khẩu cũng dự báo sẽ chỉ tăng 2,9% (chưa tính dầu thô) so với chỉ tiêu kế hoạch năm là 10%.

Để GDP cả năm mới đạt mức 9,2% thì tăng trưởng trong quý IV phải là 10,3%. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thì đây là một mục tiêu không dễ thực hiện. Các "rào cản" là tăng trưởng tín dụng hiện quá thấp, nợ xấu tăng và chỉ số giá tiêu dùng đang tăng. Trong khi đó, muốn tăng trưởng cao thì phải tăng trưởng tín dụng, mà bơm tín dụng thì lạm phát sẽ tăng trở lại, vì vậy ông đề nghị thành phố suy nghĩ thêm giải pháp tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ông Huỳnh Văn Minh cũng dự báo sản xuất kinh doanh của DN trong quý IV còn khó khăn hơn các quý trước. Trong đó khó khăn cơ bản vẫn là vốn và lãi suất. Vì vậy kiến nghị NH cần tích cực hơn để DN tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (HoReA) cũng kiến nghị biên độ lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong khoảng 2,5% - 3% là hợp lý. Hiện lãi suất huy động 9% và cho vay 15% là quá cao nên đề nghị Quốc hội giám sát Chính phủ trong việc thực thi chính sách này.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, 3 tháng còn lại là thời điểm quan trọng để thành phố chạy nước rút trong thực hiện kế hoạch năm. Vì vậy, trong quý IV, UBND TP sẽ tập trung nhiều biện pháp để giải quyết những vấn đề khó khăn về vốn, lãi suất, tập trung các biện pháp kích cầu… để tạo điều kiện cho DN phát triển. Các chính sách của thành phố cũng sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt được mức tăng GDP khoảng 10%. 

Đặng Loan