Cần hài hòa các lợi ích

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:32, 26/09/2012

(HNM) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian tới, liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ký thông tư liên tịch tiếp tục điều chỉnh giá của 220 dịch vụ y tế.

Về lý do của việc điều chỉnh này, Bộ Y tế cho biết phải tính cả cơ cấu lương, phụ cấp cho nhân viên y tế, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học… Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế còn cho biết thêm, mức đề xuất tăng viện phí lần này là dựa vào trượt giá và mức lương cơ bản tính từ năm 1995, năm ban hành quy định mức viện phí của nhiều dịch vụ hiện hành. Từ đó đến nay mức lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, thu nhập bình quân đầu người cũng lên trên 1.000 USD/người/năm, tăng hơn hai lần so với năm 1995. Ấy là cái lý của cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý.

Về gốc rễ vấn đề, người dân nói chung và những người phải vào bệnh viện nói riêng cũng rất muốn cơ cấu lương và phụ cấp cho cán bộ, nhân viên của ngành y tế có những cải thiện phù hợp với đời sống hiện nay. Có như vậy, gián tiếp người bệnh phần nào sẽ tránh được những thủ tục nhiêu khê, phiền hà; y đức của người thầy thuốc cũng được nâng cao; cam kết "nói không với phong bì" của cán bộ, nhân viên ngành y tế có điều kiện trở thành hiện thực… Nhưng đó là chiến lược, là về lâu về dài chứ trước mắt, "điệp khúc" tăng giá đang là nỗi lo chung của người dân và việc tiếp tục điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế sẽ khiến người bệnh gặp không ít khó khăn. Ngay như tại thời điểm này, đã có 21 bệnh viện thuộc trung ương được phê duyệt khung giá viện phí mới, mức giá trung bình là 90-95% so với khung giá tối đa, điều đó dẫn đến trung bình chi phí cho đợt điều trị của mỗi bệnh nhân sẽ tăng thêm khoảng 30-40%. Và chắc chắn, nếu 220 loại dịch vụ y tế tiếp tục được điều chỉnh giá thì mức chi phí tăng thêm của người bệnh không chỉ là như vậy.

Một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu của ngành y tế là bảo đảm an sinh xã hội. Cũng vì lẽ đó, hằng năm nguồn ngân sách nhà nước đã dành phần không nhỏ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực… cho ngành y tế. Vẫn biết rằng, sự đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế tình hình, do đó một số chính sách mang tính đặc thù đã được ban hành nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt vẫn là nhằm để ngành y tế phục vụ tốt nhất người dân, bảo đảm an sinh xã hội chứ không phải là lợi nhuận thu được từ y tế!

Do đó, tiếp tục huy động sự đóng góp của người dân để cùng với các nguồn vốn đầu tư khác nhằm cân bằng giữa thu - chi, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực… là cần thiết. Tuy nhiên, với những vấn đề nhạy cảm liên quan trực tiếp tới đời sống xã hội như việc điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế rất cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt sau khi áp dụng mức giá mới đối với hàng loạt dịch vụ y tế từ ngày 1-8-2012 rất cần có sự đánh giá tổng hợp, so sánh với thời điểm trước khi thực hiện để nhìn nhận ưu điểm và những hạn chế tồn tại, kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất hợp lý. Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với cơ quan chức năng nhưng họ cần phải được biết đồng tiền mình bỏ ra là hợp lý hay chưa? Sử dụng vào những việc gì… Chỉ khi công khai, minh bạch mọi vấn đề mới có thể tạo sự đồng thuận cao.

Hoàng Thu Vân