“Cứu trợ” toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 02:53, 26/09/2012
Trong đó, 5 nghìn tỷ yên dành cho trái phiếu chính phủ và 5 nghìn tỷ yên cho trái phiếu kho bạc. Với gói "cứu trợ" này, quy mô chương trình mua tài sản của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã lên tới 55 nghìn tỷ yên.
Sự trì trệ của lĩnh vực xuất khẩu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản.
Mặc dù nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn đang chịu di chứng nặng nề của thảm họa sóng thần hồi năm ngoái và những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, nhưng đợt nới lỏng chính sách mới nhất đã vượt quá sự mong đợi của dư luận Nhật Bản. Không một dự báo nào cho thấy khả năng BoJ lại có thể "hào phóng" đến như vậy khi khối nợ công của Tokyo đã phình to đến hơn 200% GDP. Song, bơm tiền vào nền kinh tế đã được các nhà hoạch định tài chính xứ Hoa anh đào lựa chọn như một giải pháp tối ưu nhằm chống giảm phát cũng như nguy cơ cạn tiền vào cuối năm nay. Ngoài ra, căng thẳng về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, Hàn Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm các nỗ lực hồi phục còn yếu ớt của xứ Phù Tang.
Ngân khoản 10 nghìn tỷ yên từ Nhật Bản là một cú hích mang cấp độ quốc tế khi cường quốc kinh tế thứ ba thế giới vẫn là một cột trụ quan trọng của kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, điều đáng quan tâm hơn cả là thời điểm tung ra công cụ tài chính này. Sau hành động tương tự từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) và đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), bước đi mới nhất của Nhật Bản cho thấy sự chuyển hướng chính sách kinh tế - từ "thắt chặt" đến "nới lỏng" - đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Dẫu rằng "thắt lưng buộc bụng" không phải là câu chuyện đã lỗi thời, nhưng ít nhất, với những gói "cứu trợ" mạnh như đã thấy cho một nhận định rằng: thế giới đang quyết tâm vượt qua cơn khủng hoảng bằng việc tạo động lực để đẩy cỗ xe tăng trưởng tiến lên.
Mở đầu cho trào lưu này là cú đột phá của ECB. Tuyên bố mua trái phiếu không giới hạn của các quốc gia Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang gặp khó khăn về tiền bạc mang tính bước ngoặt của ECB đã gửi đi thông điệp Lục địa già nay đã không chỉ lấy chi tiêu kham khổ mà còn sử dụng các giải pháp tăng nguồn cung tiền tệ - như một lựa chọn song song để ứng phó với cơn bão nợ công. Hàn Quốc cũng vừa gây kinh ngạc khi trở thành quốc gia Đông Á đầu tiên "đổ tiền" để vực dậy nền kinh tế. Chỉ trong 4 ngày (trong tháng 9 này), cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất 3%, BoK đã liên tiếp tung hai gói kích thích trị giá 5,2 tỷ USD để giảm thuế, thúc đẩy nhu cầu trong nước và 1,3 tỷ USD nhằm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhỏ. Song, quyết định được chờ đợi của FED mua trái phiếu không giới hạn giá trị 40 tỷ USD/tháng cho đến khi thị trường việc làm - yếu điểm lớn nhất của nền kinh tế Mỹ - được cải thiện mới thật sự làm các thị trường toàn cầu bừng tỉnh.
Một cuộc đua nới lỏng chính sách tiền tệ khắp thế giới đã bắt đầu và xem ra không "đại gia" nào muốn bị tụt lại phía sau. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, việc cung tiền ồ ạt từ một quốc gia sẽ lập tức ảnh hưởng đến đồng tiền cũng như nhiều chương trình kinh tế của các quốc gia khác. Thế nên, đồng yên của Nhật Bản đã nhảy lên 77,13 yên/USD, cao nhất trong 7 tháng sau khi FED công bố kế hoạch nới lỏng định lượng lần 3 (QE3). Về nguyên tắc, chẳng nước nào muốn đồng nội tệ trở nên đắt đỏ nhưng cuộc đua chống khủng hoảng đã buộc các thể chế tài chính cũng như nhiều quốc gia chấp nhận lựa chọn này.
Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) nhận định kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng 2,3% trong năm 2012 và các chính sách chuyển từ thúc đẩy tăng trưởng sang cắt giảm ngân sách quá sớm được cho là nguyên nhân của sự trì trệ. Vậy phải chăng, sự "bừng tỉnh" các gói kích thích kinh tế rồi đây sẽ bảo đảm cho quá trình hồi phục. Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ khi các "đại gia" đã đồng loạt mở hầu bao mà vẫn không thể xua tan lo lắng của các nhà đầu tư. Chứng khoán rời xa chuỗi tăng điểm ấn tượng, dầu mỏ vừa chọc thủng đáy của 7 tuần... là những biểu hiện trái chiều khi những ngân khoản khổng lồ có quy mô toàn cầu được tung ra. Rõ ràng, nền kinh tế thế giới không còn những phản ứng nhanh nhạy như từng thấy. Điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang ở trong khúc quanh đầy khó khăn với những thách thức khôn lường.