Nguy cơ độc hại từ đồ chơi nhập lậu

Đời sống - Ngày đăng : 07:43, 25/09/2012

(HNM) - Vào dịp Tết Trung thu, thị trường đồ chơi trẻ em lại diễn ra sôi động trên các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… Tuy nhiên, chiếm phần lớn vẫn là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, không được kiểm định về chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em.

Các bậc phụ huynh nên chọn mua cho con em mình những loại đồ chơi phù hợp, lành mạnh. Ảnh: Nguyễn Thủy


Dạo qua các tuyến phố chuyên về đồ chơi trẻ em như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân… có thể thấy phần lớn đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó đồ chơi bạo lực như dao, kiếm, súng thường được mô phỏng y hệt kiểu dáng các loại vũ khí trong game online như Haflife, Đột kích, Thiên Long bát bộ, Võ Lâm truyền kỳ… Ngoài súng bắn đạn nhựa, súng laze, gươm đao phát sáng, còn có các loại vũ khí trang bị cho nhân vật trong game mà các game thủ rất thích như súng ngắn, súng trường, lựu đạn… Do đồ chơi bạo lực đã bị liệt vào danh sách cấm, để đối phó với lực lượng chức năng, chỉ khi có người hỏi mua thực sự, các chủ hàng mới đem ra. Một chủ cửa hàng cho biết, đồ chơi loại nào cũng có, nhưng bán "chạy" nhất vẫn là đồ chơi bạo lực có giá 100.000-150.000 đồng. Khác với cảnh tấp nập tại các sạp hàng đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi dân gian truyền thống như đèn ông sao, đầu lân, trống cơm… lại khá trầm lắng.

Tết Trung thu thường là dịp để các đối tượng nhập hàng buôn lậu với số lượng lớn, thu lợi nhuận bất chính. Để đối phó với hoạt động này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và mở các đợt cao điểm nhằm vào các điểm buôn bán hàng lậu. Cuối tháng 8 vừa qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ chiếc xe tải chở khối lượng lớn đồ chơi bạo lực như dao, kiếm nhựa… được giấu trong hàng chục thùng carton, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài bao bì có ghi tiếng nước ngoài. Từ đầu tháng 9 đến nay, Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu đồ chơi trẻ em nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại địa điểm tập kết số 195 Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Đội đã phát hiện và tịch thu 2.115 sản phẩm đồ chơi nhập lậu, trị giá hơn 28 triệu đồng của chủ hàng Nguyễn Văn Tuấn (tại Yên Mỹ, Hưng Yên). Tại vỉa hè số 4 phố Đồng Xuân, Đội phát hiện một lượng lớn đồ chơi bạo lực. Chủ hàng là Nguyễn Thị Đông, trú tại xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) cho biết, sau khi tập kết sẽ giao số hàng trên cho các cửa hàng đồ chơi để bán trong dịp Tết Trung thu. Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Công an TP Hà Nội) kiểm tra kho hàng tại số 6 phố Gầm Cầu, đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm đồ chơi do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, hàm lượng độc tố không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy, hầu hết đồ chơi nhập lậu thường được làm từ nhựa tái sinh nên phải bổ sung thêm các hóa chất để tăng cường độ bền, mềm dẻo hoặc cứng. Ngoài, ra, để thu được nhiều lợi nhuận, các cơ sở sản xuất còn thu gom nhựa phế thải, thậm chí còn lẫn với các chất thải hữu cơ độc hại hoặc sử dụng các màu sơn vô cơ có kim loại nặng như thủy ngân, chì… rất độc hại. Mới đây Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã phối hợp với lực lượng QLTT các tỉnh, TP trên cả nước tăng cường kiểm tra mặt hàng này, đây là chiến dịch kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em quyết liệt nhất, nhằm kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Trước tình hình thị trường đồ chơi khó kiểm soát như hiện nay, các bậc phụ huynh nên chọn mua cho con em mình những loại đồ chơi phù hợp, lành mạnh.

Thanh Hiền