Cần giải pháp bình ổn thị trường gas
Kinh tế - Ngày đăng : 07:57, 24/09/2012
Vận chuyển gas tại một cửa hàng trên đường Giải Phóng. Ảnh: Chí Lâm |
Tại thị trường Hà Nội, gas được bán phổ biến ở mức 410.000-440.000 đồng/bình 12kg. Nếu tiếp tục tăng giá vào cuối tháng như thông tin đang lan truyền, giá gas bán lẻ trong nước của các đại lý lớn ở mức từ 430.000 đến 460.000 đồng/bình 12kg. Đây là mức giá cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức tiêu dùng của người dân với mặt hàng gas có thể sẽ tăng do chuẩn bị bước vào mùa thu đông.
Vì sao có hiện tượng giá gas liên tục tăng, gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng? Đại diện các nhà đầu mối nhập khẩu và kinh doanh gas trong nước khá thống nhất trong giải thích, đều đưa ra nguyên nhân là do nguồn cung thiếu hụt, giá tăng mạnh; gas là mặt hàng thuộc diện "hàng bình ổn giá" nhưng do nhiều đơn vị kinh doanh nên thị trường gas vận hành theo cơ chế thị trường; các hãng gas, đầu mối phân phối gas không kiểm soát được việc bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh gas nên giá mỗi nơi một khác. Việc đăng ký giá bán lẻ gas là thống nhất, thường chỉ áp dụng cho hệ thống cửa hàng của công ty, do vậy các cửa hàng kinh doanh gas không thuộc đối tượng này thì doanh nghiệp không thể quản lý về giá bán lẻ.
Thực tế trên thị trường hiện nay, do khâu quản lý nhà nước đối với mặt hàng gas còn nhiều mặt bất ổn chưa được khai thông, các hãng gas không quản lý được giá bán lẻ và mạng lưới bán lẻ cũng chưa được các cơ quan chức năng "để mắt" tới nên giá gas trên thị trường liên tục tăng là chuyện đương nhiên, chỉ có người tiêu dùng là phải chịu thiệt. Cũng như xăng dầu, mỗi lần gas tăng giá, các DN cung ứng mặt hàng này luôn có "điệp khúc": Nguồn cung thiếu hụt, giá thế giới tăng mạnh; DN không kiểm soát được việc bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh gas nên giá mỗi nơi một khác... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những bất hợp lý này là do cơ quan quản lý chưa tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, chưa điều tiết được thị trường và kiềm chế tăng giá gas. Trong khi thực tế, lượng gas sản xuất trong nước từ hai nguồn Dinh Cố và Dung Quất khoảng 640.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ trong nước, hoàn toàn có thể làm được việc đó khi xảy ra biến động mạnh về giá cả.
Để có thể giảm được giá gas, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, vấn đề mấu chốt là phải quản lý được cơ cấu hình thành giá. Theo quy định, trong khi giá gas trong nước phụ thuộc giá thế giới, giá bán chỉ được quyết định tăng, giảm vào đầu mỗi tháng khi giá thế giới công bố, dù gas nhập hay không nhập. Vì vậy, việc giá gas trong nước điều tiết theo giá thế giới như hiện nay chỉ mang lại lợi ích cho một số DN mà hoàn toàn không giúp được gì cho việc bình ổn thị trường và đưa gas đến tay người tiêu dùng đúng giá thật.
Để chống sự tăng giá bất hợp lý của mặt hàng này, tránh sự chênh lệch giá bán giữa các DN, trong thời gian tới, Nhà nước nên thống nhất giá bán lẻ gas như giá xăng dầu. Cơ quan quản lý cần kiểm tra và minh bạch các chi phí của DN kinh doanh gas; công khai đấu giá toàn bộ gas sản xuất trong nước, đồng thời tách bạch giá gas sản xuất trong nước với giá nhập khẩu, tránh gộp chung như hiện nay... Bên cạnh đó, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống liên kết trong khâu định giá, Nhà nước cần mở rộng đối tượng tham gia đấu thầu trực tiếp toàn bộ sản lượng gas trong nước. Không nên để một số ít DN nhập khẩu và kinh doanh đầu mối chi phối thị trường gas mà nên để DN sản xuất trong nước xác định giá bán nhằm có mức giá bán lẻ hợp lý đến tay người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước về giá, thị trường các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát để hạn chế thấp nhất sự "tự tung tự tác", tùy ý đẩy giá gas lên vô tội vạ của các cửa hàng bán lẻ, góp phần bình ổn thị trường và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng.