Người tù Cộng sản trẻ tuổi năm ấy (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:32, 23/09/2012

(HNM) - Trong giờ phút nửa tỉnh nửa mê, Văn Tiến Dũng nhớ lại những ngày thơ bé, mồ côi cha, nhà nghèo, từ làng Cổ Nhuế (ngoại thành Hà Nội) vào phố đi làm thợ dệt. Hai năm trong nhà tù Sơn La, anh được các đồng chí Sao Đỏ, Tô Hiệu, Trường Chinh giác ngộ.


Thoát khỏi lao tù, anh cạo trọc đầu, làm sư ông chùa Bột để dễ dàng hoạt động. Lúc này tự nhiên nhớ lại, anh như nghe thấy tiếng cười giòn tan của mấy cô thôn nữ, lúc anh đang cuốc đất trong vườn chùa: "Sư ông tân thời, răng trắng quá. Tuổi còn trẻ thế kia, không biết giận đời nỗi gì mà đi tu cho nó phí". Rồi tình yêu chợt đến, giữa anh với cô Bắc, nữ giao thông của Xứ ủy. Ban đầu Bắc cũng giả làm ni, tu ở chùa Đề Trụ, huyện Gia Lâm. Nhan sắc con gái Hà Nội khiến lão lý trưởng nhất định đòi nhà chùa gả cho hắn làm vợ lẽ.


Đại tướng Văn Tiến Dũng (ngồi giữa) trong một buổi họp bàn phương án đánhmáy bay B-52 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh tư liệu

Cái lần đi chợ Táo bán chè tươi, cô bị cánh con trai lẵng nhẵng theo sau tán tỉnh "Cắc cớ làm sao mà phải đi tu? Tội gì ở chùa, nhà mình đang neo người đây…". Mãi cô Bắc mới thoát ra được để đến nơi hẹn giao và nhận tài liệu. "Cấp trên" mà cô Bắc tìm gặp hôm ấy chính là anh, bí danh Hoài. Sau khi hai người "hoàn tục" chuyển về ở trong nhà dân, Xứ ủy và cơ sở đã làm đám cưới cho vợ chồng Văn Tiến Dũng cùng một buổi với vợ chồng Hoàng Quốc Việt. "Tiệc cưới" thịt hẳn một con vịt to. Vợ chồng ở với nhau một đêm. Mờ sáng sớm hôm sau, anh đã thức dậy, qua bên kia sông Hồng. Thế rồi… Buổi hai vợ chồng hẹn gặp nhau chẳng ngờ đúng vào mấy ngày địch đang lùng sục ráo riết vì có tù trốn trại Bá Vân (Thái Nguyên). Anh buộc phải nổ súng. Tiếng súng của anh báo hiệu cho Bắc thoát khỏi vòng vây kẻ thù…

Văn Tiến Dũng chưa chết, thực dân Pháp cũng không để anh chết dễ dàng. Chúng chuyển anh về Bắc Ninh, chờ mở phiên tòa xét xử, kết án tử hình vì nếu xử tại Hà Nội sẽ gây dư luận ồn ào không có lợi cho chúng. Nhiều người lo cho anh, nhưng buổi ấy, nghe tin mình được chuyển trại giam thì Văn Tiến Dũng vui hẳn lên: Cơ hội vượt ngục đến rồi! Nhà tù Bắc Ninh không kiên cố bằng Hỏa Lò Hà Nội, việc thông tin liên lạc xin cấp ủy giúp đỡ tổ chức vượt ngục cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Buổi sáng lính áp giải Văn Tiến Dũng đi Bắc Ninh cũng là ngày các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… bị chuyển về Nam Định làm án. Lúc chia tay, những người tù ái quốc nhìn nhau, con mắt nói với nhau nhiều điều. Văn Tiến Dũng bị đẩy lên xe bịt bùng, hai cánh cửa đóng sập lại, ô tô chuyển bánh, ngược Bắc Ninh. Còn cánh nhà văn lên một ô tô khác, xuôi Nam Định.

Trời cuối thu ảm đạm. Số phận mỗi người tù, chưa biết sẽ ra sao.

Sau nhiều phương án đề ra mà không thực hiện được, đêm 13 âm lịch tức ngày 26-12-1944, lợi dụng lúc trời chưa có trăng, với sự giúp đỡ của một lính gác tốt bụng mở khóa cửa và một người bạn tù cùng đi trốn giúp leo qua tường rào thép gai, Văn Tiến Dũng đã vượt ngục thành công, có người của tổ chức đưa anh về cơ sở an toàn. Hai ngày sau, báo Cứu Quốc đăng tin giải thoát Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Văn Tiến Dũng, coi như một trận thắng lớn… Chỉ vài tháng sau, nhờ sức khỏe hồi phục nhanh chóng, Văn Tiến Dũng được cử về kịp thời lãnh đạo khởi nghĩa Tháng Tám thành công trên địa bàn Ninh Bình.

Người tù cộng sản trẻ tuổi năm ấy, sau này là Đại tướng Văn Tiến Dũng, ghi nhớ mãi cái buổi gặp các nhà văn Văn hóa cứu quốc trong tù, tuy tình cờ, ngắn ngủi nhưng do anh chủ động nên kết quả đúng như mong đợi.

Bà Nguyễn Thị Kỳ (phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng) tức cô Bắc năm xưa kể lại rằng, khi nhận được tin "anh ấy còn sống, nhưng bị liệt một tay và nói ngọng…" thì băn khoăn mãi: Tay anh ấy có thể liệt vì bị chúng nó đánh gãy xương, trật khớp. Nhưng tiếng nói ngọng thì không hiểu vì sao đòn tra của kẻ thù hiểm ác quá!… Lo, nhưng cô không biết hỏi ai, vì tin từ trong nhà tù truyền ra không phải từ đường dây nội bộ.

Đã 68 năm qua… kể từ cái ngày ấy, các anh gặp nhau trong xà lim Sở Mật thám Hà Nội, tình cờ tôi có dịp hỏi lại, biết thêm về mối thâm tình giữa đôi bạn nhà văn nhà võ. Cụ Tô Hoài vẫn đôi mắt nheo nheo, nụ cười hom hóm cho biết:
- Tôi với Văn Tiến Dũng biết nhau từ những ngày sinh hoạt Ái hữu dệt may. Tôi dân Nghĩa Đô, có nghề truyền thống dệt vải. Còn anh Dũng gốc người Cổ Nhuế, nghề may. Nhớ ngày Quốc tế lao động 1-5-1936, trong cuộc mít tinh lớn đông tới hàng vạn người tổ chức ở nhà Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), tôi đi biểu tình trong đoàn Ái hữu dệt may, còn anh Dũng trong đoàn người mang tấm biển rất to: Thất nghiệp. Chả là ngày ấy, anh Dũng lãnh đạo công nhân Nhà máy Cự Doanh đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc đấu tranh thắng lợi, chủ chấp nhận thực hiện mọi yêu sách của công nhân, nhưng với điều kiện anh Dũng phải đi tìm việc nơi khác, vì nó biết anh là người lãnh đạo phong trào ở xưởng dệt, anh còn ở đó thì còn rách việc. Để tập thể được hưởng mọi quyền lợi, anh Dũng tự nguyện ra đi, và thế là trở thành thất nghiệp.

Nhà văn Tô Hoài kể tiếp:
Bữa ấy, chúng tôi đang bị giam bên Hỏa Lò. Tôi được biết có Văn Tiến Dũng ở xà lim bên cạnh nên tìm cách kéo Như Phong, Nguyễn Đình Thi ra ngoài hành lang. Gặp nhau, tôi không nhận ra Văn Tiến Dũng, vì mặt anh thâm tím, sưng húp, lại bị cái ngoàm nom rất dị dạng. Nhưng mà anh ấy đã nói, đúng là nói với chúng tôi rằng anh vừa ở nước ngoài về…, và một câu nữa, dài hơn, khó nghe hơn, nhưng tôi vẫn còn nhớ…
Cụ Tô Hoài chuyển sang chuyện những năm kháng chiến chống Pháp, rồi về Hà Nội, hai người có đôi lần gặp nhau vì đều mải bận bịu công việc. Cho đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, 30-4-1975, Tô Hoài gọi điện cho Văn Tiến Dũng:
- Ông có thể giúp tôi đi một chuyến thăm Sài Gòn và mấy tỉnh quân ta vừa giải phóng được không?
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã bố trí một chiếc xe con đưa hai nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Văn Bổng đi mấy tỉnh miền Trung, vòng lên cả đường Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, vào thành phố Hồ Chí Minh… Một chuyến đi nhiều kỷ niệm.

Từ những ngày là cánh áo ngắn biết nhau, cùng đi bên nhau trong một cuộc biểu tình cách mạng, rồi gặp lại nhau trong tù cho đến những ngày đất nước hoàn toàn giải phóng sạch bóng quân xâm lược… Nhắc tới người bạn cố tri đã đi xa tôi thấy giọng cụ Tô Hoài trùng hẳn xuống, con mắt nhìn xa xăm, khác hẳn cái vẻ thường ngày long lanh, hóm hỉnh.

Lê Văn Ba - Nhà văn, cựu tù chính trị Hỏa Lò Hà Nội