Cần xây dựng chiến lược dài hạn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:29, 22/09/2012
Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu tại Tập đoàn Dệt may liên doanh Plummy. Ảnh: Đàm Duy |
Xu hướng đa dạng hóa nguồn hàng nhằm phòng tránh rủi ro cũng đang diễn ra khá mạnh tại Mỹ do các nhà nhập khẩu muốn giảm nhập hàng hóa của Trung Quốc, đồng thời tăng cường nhập từ các nước Đông Nam Á. Việt Nam đang là một trong những điểm đến được các DN Mỹ lựa chọn, nhất là trong lĩnh vực dệt may (DM) do được đánh giá cao về trình độ lao động, có thể đáp ứng được những yêu cầu cao. Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại Mỹ, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng cao và có khả năng dẫn đầu khối ASEAN trong tương lai. Từ đầu năm đến nay, DM tiếp tục là mặt hàng được XK nhiều nhất sang Mỹ, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch XK, đạt 4,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xu hướng sử dụng các sản phẩm DM tại Mỹ vẫn lớn, có tới 49% người dân sẵn sàng chi tiêu tăng thêm cho nhu cầu về quần áo, giày dép thời trang. Khách hàng Mỹ ngày càng quan tâm đến chất lượng và giá hàng hóa, nên DN Việt Nam cần tăng cường khả năng đáp ứng những đơn hàng nhỏ lẻ, nhất là khả năng sáng tạo theo yêu cầu của khách hàng. Đây là những vấn đề mà DN DM Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Mỹ cần lưu ý.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với thị trường Mỹ, các DN đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Các sản phẩm phải có chất lượng tốt, độc đáo, giá hợp lý hơn. Song, do chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, DN Việt Nam chủ yếu gia công theo đơn hàng, nên ít có khả năng cạnh tranh, giá trị thu về thấp. Hàng Việt Nam còn chịu sức ép về quãng đường vận chuyển xa, chi phí vận tải và giao dịch cao, lại không được hưởng các ưu đãi về thuế suất. Thêm vào đó, hàng của ta bị nhiều sức ép cạnh tranh gay gắt về giá, rào cản thuế quan so với các nước khác, như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… Đó là chưa kể đến những rào cản về kỹ thuật và pháp luật do Bộ Thương mại Mỹ đặt ra. Các chuyên gia đã cảnh báo, khi XK hàng vào Mỹ, DN cần tránh sử dụng phương thức giảm giá, vì quy định chống bán phá giá tại Mỹ rất nghiêm ngặt. Các cơ quan chức năng Mỹ thường xử phạt rất nặng với những DN vi phạm quy định này. Mặt khác, sắp tới DM có thể bị liên đới đến các vụ kiện bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời mặt hàng này bắt buộc phải đáp ứng những quy định mới là phải có sự kiểm nghiệm và giấy chứng nhận của một tổ chức độc lập, nên DN trong nước cần thận trọng.
Để đạt được mục tiêu trở thành nhà XK DM lớn thứ hai vào Mỹ, ngoài việc đàm phán mở cửa thị trường; xây dựng thương hiệu quốc gia, hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí xúc tiến thương mại… các DN DM cần có chiến lược dài hạn trong việc nghiên cứu, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Mạnh dạn tổ chức thiết kế mẫu theo nhu cầu; xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Mỹ trong dài hạn. Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội DM Việt Nam và Bộ Công thương để theo dõi sát diễn biến, cũng như chấp hành nghiêm túc các quy định của thị trường Mỹ để tránh bất lợi. Ngoài ra, nên thiết kế, đóng gói sản phẩm tiết kiệm nhất về thể tích; tăng giá trị hàng hóa để giảm chi phí vận tải; sử dụng thương mại điện tử trong khi giao dịch với các DN Mỹ, vì đây là công cụ hữu hiệu giúp DN vượt qua được nhiều rào cản thương mại nhất.