Bảo hiểm xe cơ giới: Lao đao vì suy giảm kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 08:26, 22/09/2012

(HNM) - Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 8 đã giảm 34%, lượng xe nhập khẩu thậm chí giảm tới 56,3% so với cùng kỳ. Sự ảm đạm tại thị trường ô tô đã khiến nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, lĩnh vực chủ chốt mang lại thị phần và doanh thu cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) giảm mạnh.

Bên cạnh việc phải  giảm phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhiều DNBH đã tỏ ra đuối sức trong bối cảnh những khó khăn về kinh tế khiến khách hàng ngày càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Việc một số DNBH buộc phải rời  thị trường do không chịu nổi sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay là điều khó tránh khỏi. 

Lượng tiêu thụ ô tô giảm khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Như Ý


Ô tô ế, bảo hiểm lao đao

Đại diện VAMA cho biết, tháng 8-2012, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 7.056 xe, giảm 34% so với tháng 8-2011. Nếu tính riêng các thành viên VAMA thì doanh số bán hàng giảm tới 38%. Lượng nhập khẩu ô tô trong tháng 8 cũng đạt mức thấp, trong tháng 8-2012 chỉ có 2.000 xe được nhập khẩu vào Việt Nam với kim ngạch khoảng 45 triệu USD. Như vậy, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 8 tháng qua đạt khoảng 18.000 chiếc, với giá trị 385 triệu USD, giảm 56,3% về lượng và giảm 50,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự ảm đạm trên thị trường ô tô đã tác động mạnh tới hoạt động của các DNBH phi nhân thọ, bởi nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới (BHXCG) luôn là lĩnh vực chủ lực đem lại doanh thu cho khối DN này. Thống kê cho thấy, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường những tháng đầu năm 2012 tăng 12,68%, song doanh thu phí BHXCG chỉ tăng 2,22% so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài nguyên nhân do thị trường ô tô ế ẩm, việc sụt giảm phí BHXCG còn bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi các DNBH đua nhau hạ phí và mở rộng phạm vi bảo hiểm để thu hút khách hàng. Hậu quả là đã có những DNBH bắt đầu "đuối sức" trong cuộc chiến này. Nếu như trước đây, nghiệp vụ BHXCG luôn là một trong những lĩnh vực đem lại doanh thu phí cao nhất, thì hiện tại không ít DNBH đã phải hạn chế việc khai thác mới để "cắt lỗ". Thống kê cho thấy, trong những tháng đầu năm 2012 doanh thu phí BHXCG chỉ tăng 2,22% so với cùng kỳ năm 2011. Vì vậy, tỷ trọng của sản phẩm này chỉ còn 27,5% so với 30,3% cùng thời điểm năm trước. Nhiều DNBH có doanh thu phí bảo hiểm ô tô giảm mạnh, như VNI (-53%), Bảo Ngân (-42%), Bảo Long (-39%), Viễn Đông (-29%), PVI (-16%), AAA (-14%), Bảo Minh (-4%)… Liberty là một DNBH 100% vốn nước ngoài có thương hiệu mạnh nhờ sản phẩm bảo hiểm xe ô tô được nhiều khách hàng biết tới trong những năm gần đây, cũng đã phải mở rộng và phát triển các nghiệp vụ bảo hiểm khác, như bảo hiểm sức khỏe, du lịch… để bù đắp nguồn thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Đuối sức, DN sẽ phải rời bỏ thị trường

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, bên cạnh những khó khăn chung của thị trường, các DNBH phi nhân thọ nói chung và nghiệp vụ BHXCG nói riêng còn đang gặp khó khăn do tỷ lệ bồi thường quá cao. Trên thực tế, tỷ lệ bồi thường trung bình của nghiệp vụ BHXCG khoảng 50%, nhưng ở một số DN tới hơn 60%. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, doanh thu phí BHXCG 6 tháng đầu năm 2012 là 3.168 tỷ đồng, trong đó đã giải quyết bồi thường là 1.565 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện một DNBH nước ngoài, những vụ tai nạn đã xảy ra mới gửi yêu cầu bồi thường, hoặc đang trong quá trình giám định tổn thất, thu thập hồ sơ, các vụ đang trong quá trình sửa chữa, hư hại (được gọi là dự phòng bồi thường) trong những tháng đầu năm ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng. Như vậy, chi phí bồi thường của các DNBH đã xấp xỉ doanh thu. Nếu tính thêm chi phí khai thác và quản lý, nghiệp vụ BHXCG của không ít DNBH đang thua lỗ nặng.

Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm phân tích, tỷ lệ bồi thường cao do cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, ý thức người tham gia giao thông kém, thời tiết thất thường, cộng thêm tình trạng trục lợi bảo hiểm đang ngày càng phổ biến. Thực tế này khiến nhiều DNBH thận trọng hơn khi phát triển nghiệp vụ BHXCG dù đây vẫn là một sản phẩm chủ lực của nhiều DNBH phi nhân thọ. Một nguyên nhân khác khiến nhiều DNBH phi nhân thọ rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười" với nghiệp vụ BHXCG là từ những năm trước, do sự cạnh tranh gay gắt, nhiều DN đã liên tục giảm phí bảo hiểm nhằm thu hút khách hàng và buông lỏng hoạt động bồi thường. Nhiều trường hợp, BHXCG được bán với mức giá quá thấp, trong khi đó giá phụ tùng, nhân công sửa chữa ngày càng tăng theo tỷ giá khiến nghiệp vụ này rơi vào tình trạng thua lỗ.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, các DNBH sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh bằng cách giảm phí như hiện nay. Thậm chí, khả năng tăng phí bảo hiểm ô tô trong thời gian tới chỉ còn là chuyện sớm muộn. Đã đến lúc thị trường phải chấp nhận việc điều chỉnh phí bảo hiểm một cách linh động theo tỷ lệ tổn thất. Nếu không, khách hàng sẽ còn rất ít sự lựa chọn khi một số DNBH buộc phải rút khỏi thị trường khi rơi vào tình trạng thua lỗ do chạy đua cạnh tranh, giảm phí bảo hiểm.

Hương Ly