Phập phồng nỗi lo vỡ đê
Đời sống - Ngày đăng : 08:19, 22/09/2012
Vườn mai của người dân bị triều cường gây ngập nước, nguy cơ thiệt hại cao. |
Khốn khổ vì ngập úng
Ông Phan Xuân Tường (ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho hay, hiện nay mới bắt đầu vào mùa triều cường nhưng mấy ngày qua (đầu tháng 8 âm lịch), nước đã vào trước sân. Dù chính quyền đã cho gia cố tuyến đê bao bằng bê tông cao khoảng 40cm nhưng khi con triều lên khoảng 1,4m thì khu vườn ngập chìm trong nước. "Khu vực này hiện nay lại xuất hiện rất nhiều đỉa, cứ lội xuống nước là đỉa bám đầy chân, khiến cho người dân sinh hoạt rất khó khăn!". Bà Đinh Thị Tốt (ngụ khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh) lo lắng!
Để đối phó với triều cường năm nay, cách đây một tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Tơ (số nhà 41 đường 40, phường Hiệp Bình Chánh) đã chủ động kê các chậu mai lên cao khoảng 0,5m. Nhưng với việc ngập úng tới 1,4m vừa qua, ông Tơ vẫn không khỏi lo cho vườn mai nhà mình. "Đợt triều cường năm 2011, vườn mai ghép với khoảng 300 gốc của gia đình đã thối rễ và chết hết vì ngập úng, thiệt hại khoảng 90%, mất đứt 30 triệu đồng!" - ông Tơ nói. Không chỉ cây mai, trong căn nhà rộng gần 150m2 của ông Tơ, hầu hết các đồ đạc đều được kê lên cao gần cả mét để đối phó với mùa triều cường.
Đáng lo ngại, mùa triều cường này nhiều chỗ trong tuyến đê bao bê tông mà chính quyền phường Hiệp Bình Chánh gia cố nêu trên đã rò rỉ nước, một số vị trí xuất hiện tình trạng nước chảy dưới chân đê khi nước triều lên cao, không chỉ khiến nước tràn vào nhà dân mà còn làm cho tuyến đê yếu đi. Nguy hiểm hơn, nhiều hộ dân trong khu vực đề phòng ngập lụt đã chủ động đắp đất đá lên cao khiến một số đoạn đê bê tông đã bị xô lệch hẳn ra ngoài. Đó là chưa nói, hiện vẫn còn khoảng 20m đê (gần Cầu Làng, khu phố 8 phường Hiệp Bình Chánh) chưa được triển khai xây dựng. Trước tình hình này, gia đình ông Phan Xuân Tường đã đổ tiền của xây hẳn một bức tường dày 30cm, dài 30m bên trong tuyến đê nhằm tránh tình huống đáng tiếc xảy ra…
Chính quyền lo lắng
Ông Trần Quang Hải, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho hay, sau khi triều cường ở mức 1,43m vừa xảy ra ngày 18-9, nước đã mấp mé bờ đê bao trên địa bàn. Nếu nước triều lên cao hơn nữa cộng với việc mưa lớn, khả năng tràn bờ rõ hơn bao giờ hết. Trước đó, vào khoảng 17h chiều 17-9, tại Rạch Ông Kim (khu phố 6), nước đã tràn qua đê bao, tuy diện tích ngập không đáng kể nhưng đây được xem là lời cảnh báo cho chính quyền địa phương lẫn 3.000 hộ dân đang sinh sống nơi đây.
"Hiện trên địa bàn phường có 3 vị trí đê bao xung yếu là tuyến Rạch Ông Kim, Gò Dưa và Cầu Làng. Điều đáng lo hơn, các tuyến đê bao và một số tuyến khác trên địa bàn khi xây dựng đều đóng móng bằng cừ tràm, các mảng tường bê tông chỉ được gia cố ngay bên trên. Do đó, mỗi khi nước lên cao, áp lực nước mạnh sẽ khiến các tuyến đê này tiềm ẩn nguy cơ vỡ rất cao!" - ông Trần Quang Hải quan ngại.
Cũng theo lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh, các dự án bờ tả sông Sài Gòn đã được triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa xong, khiến cho việc chống ngập của địa phương rất khó khăn. Trong khi phường chỉ có lực lượng quản lý đê nhân dân (gồm 4 người) nhưng chỉ đi kiểm tra, giám sát và báo lên phường, toàn bộ công việc hộ đê, xử lý sự cố vẫn chủ yếu dựa vào sức dân. Ngoài ra, kinh phí từ ngân sách còn nhiều hạn chế nên mỗi khi triển khai các dự án duy tu, bảo dưỡng hay xây dựng đê bao, phường còn phải xin ý kiến quận và TP dẫn tới chậm trễ trong việc thực hiện.
Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP, từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP xảy ra 49 trận mưa, làm ngập 31 điểm. Đỉnh triều cao nhất là 1,50m, đã gây ngập nhiều điểm, gồm các tuyến đường: Bùi Hữu Nghĩa, Lương Đình Của (quận 2), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Bến Phú Định (quận 8), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức). Việc khống chế tình trạng tái ngập, phát sinh điểm ngập mới vẫn còn là mặt yếu, thiếu tính bền vững. 6 tháng đầu năm 2012, TP có 14 điểm tái ngập do ảnh hưởng thi công dự án. Đặc biệt là dự án Nâng cấp đô thị - lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm đã gây tái ngập nặng 6 điểm. |