Nghịch lý ngành gỗ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 22/09/2012
Bên cạnh đó, tuy đã trở thành nước xuất khẩu gỗ dăm lớn nhất thế giới nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn gỗ của nước ngoài, khi phải nhập đến 80% nguyên liệu.
Chế biến ván gỗ tại Công ty cổ phần gỗ Minh Dương, Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Tăng thị trường nội địa để tránh rủi ro
Tại hội thảo "Giải pháp cho ngành chế biến gỗ trong giai đoạn suy thoái" do Bộ NN&PTNT và Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) tổ chức mới đây, thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ 7 tháng đầu năm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 2,6 tỷ USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011). Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn, trong hơn một thập niên qua, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ luôn tăng trưởng cao ở mức 14-15%/năm. Năm 2011, khi gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều giảm thì xuất khẩu của ngành này vẫn thu về gần 4,2 tỷ USD (tăng gần 12% so với năm 2010). Tuy nhiên, dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng, nhưng điều đáng lo là DN có vốn đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm có 16% trong tổng số gần 4.000 DN chế biến và xuất khẩu gỗ nhưng đóng góp đến 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là phần lớn DN Việt Nam chỉ gia công chứ chưa tiếp cận được thị trường, chưa có thương hiệu.
Hiện sản phẩm gỗ của Việt Nam có mặt ở khoảng 120 thị trường trên thế giới, nhưng tập trung nhiều vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật, Trung Quốc. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc tập trung quá nhiều vào các thị trường lớn này tạo ra sức tiêu thụ lớn nhưng cũng đầy rủi ro nếu có biến động, nhất là thị trường Trung Quốc vốn rất khó lường và không bền vững. Trên thực tế, năm 2011 Trung Quốc đã nổi lên như thị trường lớn thứ hai của xuất khẩu gỗ Việt Nam, tuy nhiên chỉ là gỗ dăm, gỗ hộp và gỗ xẻ vốn không mang lại giá trị cao và rất dễ thay thế khi nước này cũng đang đẩy mạnh diện tích rừng trồng.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa, xuất khẩu khó khăn nên hiện nhiều DN đã tập trung chiến lược khai thác thị trường nội địa. Theo ước tính, doanh số thị trường nội địa mỗi năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Kết quả khảo sát tại 96 DN hội viên Hawa cho thấy, doanh số nội địa của các DN này trong năm 2011 là hơn 101 triệu USD, một con số không hề nhỏ. Còn theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, tiềm năng thị trường nội địa từ nay đến năm 2015 có thể tăng gấp đôi, từ 1 tỷ USD lên 2 tỷ USD. Vì vậy các DN nên tập trung khai thác thị trường này, tránh bị lấn át bởi đồ gỗ nhập khẩu.
Đẩy mạnh trồng rừng
Theo thống kê của Tổ chức Wood Resources International LLC, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ dăm lớn nhất thế giới với 5,4 triệu tấn dăm xuất khẩu trong năm 2011 (chiếm khoảng 20% lượng gỗ dăm xuất khẩu trên toàn thế giới). Dăm gỗ Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc và tăng rất nhanh. Năm 2008 lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc là hơn 1 triệu mét khối quy gỗ tròn, năm 2009 tăng gấp đôi lên 2,2 triệu mét khối và năm 2010 là 4,5 triệu mét khối.
Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ Sử dụng rừng (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, Việt Nam đang có khoảng 2 triệu héc ta rừng trồng. Năm năm trở lại đây, gỗ trồng rừng chủ yếu để sản xuất dăm gỗ xuất khẩu nên giá trị kim ngạch thu được thấp hơn nhiều so với các mặt hàng được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2011 xuất khẩu 3,5 triệu tấn dăm nhưng chỉ thu về khoảng 500.000 USD (bình quân 1,5 triệu đồng/m3 nguyên liệu), trong khi xuất khẩu 6 triệu mét khối gỗ nguyên liệu đã thu về được 3,4 tỷ USD (bình quân 7 triệu đồng/m3 nguyên liệu). Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ đang phải lệ thuộc rất nhiều vào nguồn gỗ nhập khẩu vì phải nhập đến 80% nguyên liệu, chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm. Năm 2011 Việt Nam nhập 1,3 tỷ USD, 7 tháng đầu năm 2012 nhập khoảng 700 triệu USD.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên tuổi rừng trồng khai thác chủ yếu trong khoảng 4-6 năm nên cây có đường kính nhỏ, chất lượng thấp. Với thực tế này, nếu không tiêu thụ gỗ dăm thì rất khó khăn cho người trồng rừng. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, ngân hàng cho vay trồng rừng chỉ 3 năm nên rất khó khăn để phát triển rừng trồng chất lượng. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi giá thuê đất, ưu đãi tín dụng đối với trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng để từng bước thay thế gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù về tài chính đối với ngành lâm nghiệp, nhất là trồng rừng. Một trong những giải pháp đó là sử dụng vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi để phù hợp với chu kỳ trồng rừng, nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng, từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ.