Trách nhiệm người đứng đầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 22/09/2012
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012, nhìn chung công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, việc xử lý tham nhũng chưa được rốt ráo, có dấu hiệu "to biến thành bé". Một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn. Tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm, nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn hạn chế... Thực tế này đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đáng chú ý là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa cụ thể rõ ràng nên không tương xứng so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Năm 2012 đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (9 người bị xử lý hình sự, 31 người bị xử lý kỷ luật). Năm năm qua, xét xử 1.455 vụ án tham nhũng, tuy nhiên chỉ có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra tham nhũng được coi là một trong sáu "tấm lá chắn" để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Song như đã nói ở trên, mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định khá rõ. Năm 2006, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 107 quy định khá cụ thể về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, có cả danh mục vụ việc mức độ tham nhũng tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu. Nhưng thực tế áp dụng, dường như các văn bản pháp lý này bị lãng quên!?
Đã đến lúc cần phải có sự quyết liệt, nghiêm túc hơn, cần thiết có thể chọn khâu đột phá trong PCTN là "xử lý trách nhiệm người đứng đầu" và triển khai ngay trong năm tới. Việc xử lý nghiêm người đứng đầu thực sự là cần thiết để bảo đảm trách nhiệm điều hành, quản lý được thực thi tốt; để họ phải nghiêm túc, có trách nhiệm hơn, hạn chế những quyết định sai hoặc thái độ bàng quan, "mũ ni che tai" khi để xảy ra các sai phạm lớn, làm tổn hại đến lợi ích của xã hội. Làm mạnh tay cũng nhằm tránh tình trạng người có thẩm quyền nể nang, né tránh trong việc xử lý đối với người đứng đầu. Nếu không xử lý đúng trách nhiệm để xảy ra sai phạm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị thì sẽ khó có thể khuyến khích quần chúng đấu tranh, phát hiện tham nhũng. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý "chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm" theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X).
Hiện nay, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Nghị định 107, dự kiến sẽ bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh bao gồm công chức, viên chức quản lý, và người đứng đầu doanh nghiệp. Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây cũng sẽ bổ sung quy định: "Trong các kết luận thanh tra, kiểm toán, điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán, điều tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng". Việc nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu được chia làm ba mức độ: Yếu kém về năng lực quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý, bao che cho người có hành vi tham nhũng. Hy vọng tới đây chế tài và quy định pháp luật về xử lý "trách nhiệm của người đứng đầu" sẽ rành rẽ, nghiêm minh hơn.