Bài cuối: Tất cả vì sự vững mạnh của Đảng bộ Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 22/09/2012

(HNM) - Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu, khuyết điểm, đặc biệt là đi sâu phân tích những yếu kém, thiếu sót, Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Hà Nội đã tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Diễn ra trong 10 ngày (từ 4 đến 13-9), đợt kiểm điểm đem lại những kết quả bước đầu.

Những hạn chế, khuyết điểm

Theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được tiến hành theo các bước, kiểm điểm tập thể BTV Thành ủy trong 3 ngày, sau đó kiểm điểm cá nhân ủy viên BTV Thành ủy trong 7 ngày. Với quyết tâm đề cao ý thức tự phê bình và phê bình, "tự soi để sửa lại mình", phát huy tinh thần đồng chí, trách nhiệm, chân thành, xây dựng, BTV Thành ủy Hà Nội đã hoàn thành tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Các ý kiến góp ý chân thành, thẳng thắn, không căng thẳng, gay gắt nhưng cũng không dễ dãi, xuê xoa. Đa số các ý kiến phát biểu nói chung khoảng 30 phút, dài nhất 45 phút.

Việc kiểm điểm đối với tập thể BTV Thành ủy đã bám sát 3 nội dung của nghị quyết, gợi ý kiểm điểm của Bộ Chính trị, góp ý của tập thể, cá nhân, đặc biệt là ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo TP đã nghỉ hưu. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, khách quan, không phiến diện, BTV Thành ủy đã nghiêm túc chỉ ra những thành tựu đạt được và yếu kém; phân tích toàn diện cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; đặc biệt là phân tích, tập trung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo 3 nội dung theo nghị quyết và 2 nội dung gợi ý kiểm điểm của Bộ Chính trị đối với Hà Nội.

Về nội dung thứ nhất - đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán  bộ, đảng viên. Bên cạnh những ưu điểm như tinh thần chủ động, sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ của BTV cũng như các biện pháp giải quyết của TP trước những nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, phức tạp, tập thể BTV Thành ủy đã làm rõ những hạn chế, yếu kém trong triển khai công tác tư tưởng, lý luận, quán triệt nghị quyết của Đảng. Tình hình chung của các cấp ủy là đã tích cực triển khai, nhưng nhìn chung phương pháp, cách làm không được đổi mới, nặng về truyền đạt từ trên xuống, ít trao đổi, thảo luận; ban hành nghị quyết    dài dòng, khó nhớ, nhiều nội dung chưa thật bám sát thực tế địa phương, đơn vị; việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiệu quả còn thấp, có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự nghiêm túc trong việc học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Bên cạnh đó, tập thể BTV Thành ủy cũng chỉ rõ biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, biểu hiện dễ thấy nhất là chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích vật chất; là các hiện tượng tiêu cực hối lộ, tham nhũng; là quà biếu, phong bao, phong bì…

BTV Thành ủy cũng thẳng thắn phân tích, liệu ở TP có tình trạng chạy chức, chạy quyền không? Phải khẳng định rằng, Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này bằng việc thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách và các quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ của Đảng, đặc biệt là thái độ nghiêm túc, khách quan, công tâm trong công tác cán bộ. Lãnh đạo TP nêu gương và không dung túng đối với các căn bệnh cục bộ, địa phương chủ nghĩa, hoặc chạy chức, chạy quyền. Thế nhưng, trong quá trình kiểm điểm, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ rõ đây đó vẫn còn tình trạng mỗi lần đề bạt, bầu cử vẫn có một số cán bộ "chạy", vận động, gặp gỡ xin phiếu, nhờ người này, người khác nói hộ và cũng có cả tình trạng tiêu cực phong bao, phong bì... Rồi tình trạng phô trương, lãng phí trong việc cưới xin, ma chay để trục lợi không phải chỉ có ở một số cán bộ TP, mà ở cả một số đồng chí cán bộ các cơ quan TƯ sinh hoạt trên địa bàn TP.

BTV Thành ủy đã nghiêm túc kiểm điểm và phê phán hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ theo phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp cũng như biểu hiện của sự trì trệ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của TP. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, dù đã có cố gắng nhưng Hà Nội vẫn bị xếp ở mức thấp, gây nên bức xúc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với bộ máy công quyền. BTV Thành ủy đã đi sâu kiểm điểm, phân tích việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai; việc quản lý tài sản, vốn đầu tư, dự án… còn lỏng lẻo, sơ hở, gây thất thoát. Đó là những công trình xây dựng trái phép, xây vượt tầng, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo còn diễn ra khá phổ biến. Những vi phạm này có nguyên nhân từ phía người dân, các chủ dự án chấp hành pháp luật, quy định không nghiêm, nhưng nếu cán bộ không vì nể nang, né tránh, sợ trách nhiệm, không vì tiêu cực, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì chắc chắn tình hình cũng không diễn ra nghiêm trọng và phổ biến như vậy. BTV cũng nghiêm khắc phê bình tình trạng một số công trình, dự án chất lượng kém, vừa làm xong đã hư hỏng, xuống cấp và tình trạng một số dự án tiến độ quá chậm, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân... Từ đó cho thấy, điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, xây dựng đạo đức phục vụ nhân dân, xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên trước hết là phải tôn trọng, lễ phép với dân, để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Về nội dung thứ hai - xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá rất cao sự chủ động, sáng tạo trong công tác cán bộ ở Thủ đô thời gian qua. Nổi bật là tinh thần đoàn kết, thống nhất, là việc tự giác, tự nguyện thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; là tinh thần khách quan, công tâm. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói rằng không còn hiện tượng chạy chức, chạy vị trí vẫn còn diễn ra ở nơi này, nơi khác trong công tác cán bộ... Ngoài vấn đề đó, còn là những băn khoăn về công tác quy hoạch cán bộ, trước mắt là cho nhiệm kỳ tới; là vấn đề cơ cấu 3 độ tuổi; là tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn ít... Công tác luân chuyển mới thực hiện tốt ở luân chuyển dọc, chưa làm tốt luân chuyển ngang. Cơ chế nhận xét, đánh giá cán bộ còn nhiều bất cập.

BTV Thành ủy cũng chỉ rõ những bất cập về cơ chế, chính sách, tiền lương chưa thực sự khuyến khích người giỏi, người hăng hái, tích cực trong công việc. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ chọn việc, chạy vị trí có nhiều lợi ích. Xét cho cùng đó cũng là chạy theo lợi ích cá nhân. Việc phân cấp quản lý chưa được đẩy mạnh, dẫn đến tình trạng cấp trên "ôm" nhiều việc, nhưng làm không tốt hoặc làm không hết, không sâu sát. Vì vậy, tới đây Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, chứ không thả nổi, buông trôi. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nghiêm túc kiểm tra, xử lý các trường hợp cán bộ, cơ quan, đơn vị gây nhũng nhiễu cho các tổ chức, công dân. Đây là một trong những đòi hỏi của đợt tự phê bình và phê bình lần này.

Về nội dung thứ ba - thẩm quyền trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, BTV Thành ủy nhấn mạnh, điều quan trọng người đứng đầu phải nêu cao tinh thần dám chịu trách nhiệm, phải dám vì cái chung nhiều hơn nữa. Chúng ta nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhưng vẫn cần đẩy mạnh công tác phối hợp, kết hợp, đổi mới phương pháp lãnh đạo, thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, đồng thời vận dụng cho phù hợp với thực tế từng nơi, từng lúc, từng việc, từng người.

Bám sát gợi ý kiểm điểm của TƯ, BTV Thành ủy đã tập trung kiểm điểm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hai lĩnh vực: khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ TP, đáng chú ý là cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân ở  các sở, ngành, UBND các cấp gây nhiều bức xúc trong cán bộ và nhân dân; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, đô thị.

Về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với cá nhân ủy viên BTV Thành ủy, từng cá nhân đã liên hệ và chuẩn bị báo cáo kiểm điểm nghiêm túc (có đồng chí viết 2-3 lần), tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; trong tự phê bình và phê bình về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về quan hệ gia đình, xã hội, quan hệ với nhân dân. Căn cứ nội dung gợi ý của BTV Thành ủy và các ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân, từng ủy viên đã kiểm điểm về ưu, khuyết điểm của bản thân; giải trình, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, yếu kém của tập thể. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được BTV Thành ủy gợi ý kiểm điểm đối với cá nhân đều được phân tích, làm rõ trách nhiệm. Các ý kiến góp ý thể hiện chính kiến rõ ràng, thẳng thắn, chân thành, xây dựng, giúp nhau tiến bộ. Từng cá nhân nghiêm túc tiếp thu, đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Nguyên nhân và hướng khắc phục

BTV Thành ủy đã chỉ rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém. Trong đó nguyên nhân khách quan là cơ chế, chính sách có liên quan đến Hà Nội còn có việc chưa đồng bộ, hoặc chưa phù hợp với yêu cầu, đặc điểm và nhiệm vụ của Thủ đô; những tác động của mặt trái cơ chế thị trường; những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, của biến đổi khí hậu và thiên tai... Nguyên nhân chủ quan là do việc phân công, phân cấp chưa tốt; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của thành phố trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu năng động, quyết liệt, thậm chí có mặt còn trì trệ; sự phối hợp giữa thành phố   với bộ, ngành TƯ còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Song nguyên nhân quan trọng hơn mà nhiều người đề cập là căn bệnh né tránh, ngại trách nhiệm, chưa hết lòng vì cái chung của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của TP.

Trên cơ sở phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém trong thực hiện 3 nội dung Nghị quyết TƯ 4 đề cập, BTV Thành ủy xây dựng chương trình khắc phục, yêu cầu làm rõ thêm các vấn đề nảy sinh trong quá trình kiểm điểm. Cùng với việc làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, BTV nhấn mạnh yêu cầu khắc phục, sửa chữa phải bắt đầu từ bản thân mỗi cá nhân, tổ chức. Theo đó, BTV Thành ủy thống nhất thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp chủ yếu để khắc phục ngay những mặt còn hạn chế, tồn tại. Trước tiên, BTV Thành ủy sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Thứ hai là, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, không lùi bước trước khó khăn; có năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao; có ý thức trách nhiệm cao, hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, phục vụ nhân dân. Chú trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đoàn thể TP

Trước mắt, BTV Thành ủy chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung chỉ đạo sâu sát, phân công các đồng chí ủy viên BTV Thành ủy trực tiếp dự và chỉ đạo việc kiểm điểm ở các quận, huyện, thị ủy, ngành, lĩnh vực công việc dễ xảy ra tiêu cực như các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Nội vụ, CATP, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thuế, Quản lý thị trường... Cấp ủy, chính quyền TP tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ; kỷ luật, kịp thời thay thế, luân chuyển cán bộ từ TP đến cơ sở có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Các tiêu chí đánh giá quy trình, thủ tục và các khâu trong cấp phép đầu tư dự án, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, đô thị, các dự án BT, BOT… sẽ được công khai, minh bạch, làm rõ hơn nhằm ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu, đồng thời cũng ngăn ngừa tình trạng "chạy dự án" từ phía các chủ đầu tư. BTV Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ một số việc chưa đủ thông tin để kết luận, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan. Tới đây, TP sẽ hoàn thiện xây dựng cơ chế, đánh giá cán bộ thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm. Nội dung đánh giá tập trung vào hai tiêu chí: "có làm tốt" hay "không tốt" nhiệm vụ được giao, để làm căn cứ cho việc nhận xét, đánh giá cán bộ. Từ đó mà quyết định "nên giữ ổn định hay điều sang việc khác", "điều lên hay điều xuống". Đó chính là cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ tốt nhất nhằm động viên, khuyến khích người làm tốt; thay thế, xử lý người làm sai mà Hà Nội cần thực hiện cho được.

Đối với từng cá nhân ủy viên BTV Thành ủy, trong thời gian tới cần thể hiện quyết tâm nêu gương về tinh thần tự phê bình và phê bình; rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự vững mạnh của Đảng bộ Thủ đô. Trước hết, từng cá nhân cần gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tạm thời dừng việc cử đoàn đi nước ngoài; chủ động khắc phục hạn chế, khuyết điểm; quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo công việc trên lĩnh vực được phân công; bằng mọi biện pháp có thể để sớm khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, các sở, ngành phụ trách; không để người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi.

Thông qua đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 đối với tập thể và cá nhân BTV Thành ủy cho thấy cần phải chuẩn bị một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, từ khâu tập hợp các ý kiến góp ý, chuẩn bị tài liệu, viết báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân. Việc xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể cần phải chu đáo, kỹ lưỡng trên cơ sở căn cứ vào tình hình đảng bộ và các ý kiến góp ý. Báo cáo kiểm điểm của tập thể chính là cơ sở để đối chiếu, soi rọi lại từng báo cáo kiểm điểm cá nhân xem đúng, đủ chưa, đồng thời thông qua báo cáo của từng cá nhân để hoàn thiện báo cáo kiểm điểm của tập thể.

Trong kiểm điểm, tất cả các đồng chí ủy viên BTV Thành ủy đều phải có trách nhiệm phát biểu đóng góp ý kiến cho tập thể và cho các đồng chí khác. Không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được các tập thể, cá nhân góp ý đều được đặt lên bàn nghị sự, phân tích mổ xẻ, trao đi đổi lại, làm rõ vấn đề. Nội dung kiểm điểm bám sát yêu cầu của TƯ, đi thẳng vào vấn đề cần kiểm điểm. Quá trình kiểm điểm, việc gì kết luận được thì BTV Thành ủy quyết định ngay; vụ việc chưa kết luận được thì giao kiểm tra, xác minh làm rõ.

Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, làm rõ khuyết điểm, nguyên nhân, địa chỉ là việc rất quan trọng, song chỉ như thế vẫn chưa đủ,   chưa đạt. Thấy khuyết điểm, nhận khuyết điểm, có thể nói mới thành công một nửa. Nửa còn lại, quan trọng hơn là sửa chữa, là khắc phục, là cần phải làm sao để thiếu sót, khuyết điểm không lặp lại. Cá nhân, cơ quan, đơn vị có khuyết điểm phải thực sự bắt tay vào việc sửa chữa, khắc phục một cách tự giác, tự nguyện. Còn nếu như không tự giác làm được điều đó, thì tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào mức độ, tính chất vi phạm và thái độ tiếp thu phê bình (hoặc không tiếp thu) mà xử lý thật nghiêm minh theo đúng quy định kỷ luật Đảng và pháp luật.

Nhóm PV Hànộimới