Không thể xử lý nền đất yếu vì chậm giải phóng mặt bằng

Xã hội - Ngày đăng : 08:08, 21/09/2012

(HNM) - Khởi công từ cuối năm 2009, sau gần 3 năm thi công, quốc lộ 3 mới (còn gọi là đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) đã thành hình hài. Các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, nhưng tại một số điểm mặt bằng được bàn giao quá chậm để xử lý nền đất yếu…

Xử lý đất yếu tại Km1+700 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Nguyệt Ánh


Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua nhiều khu vực có nền đất yếu. Để bảo đảm chất lượng công trình cao tốc loại A, có tốc độ thiết kế cho các phương tiện giao thông đạt 100km/h, việc xử lý nền đất yếu có vai trò vô cùng quan trọng. Đó là lý do trong rất nhiều cuộc họp những năm qua, các cơ quan chức năng đều yêu cầu ưu tiên bàn giao mặt bằng khu vực đi qua nền đất yếu trước để xử lý nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, cũng như nhiều dự án hạ tầng khác, GPMB vẫn là vướng mắc lớn nhất cản trở tiến độ dự án. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng PID5 (Ban Quản lý dự án 2) cho biết, đến nay, các địa phương đã bàn giao 58,523km/61,313km. Còn lại gần 2,8km chưa bàn giao mặt bằng, lại theo kiểu "xôi đỗ" nên trên thực tế, các nhà thầu chỉ có thể thi công 57,98km. Điều đáng nói nữa là, không ít điểm chưa được bàn giao mặt bằng lại nằm trong vùng đất yếu đòi hỏi thời gian xử lý dài, ít nhất là 6 tháng, có nguy cơ làm chậm tiến độ dự án.

Tại km 1+700 (xã Đình Bảng - Từ Sơn), gói thầu PK1A đoạn Gia Lâm - Đông Anh, ông Phạm Huy Hiền, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu của Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 cho biết, ngày 17-4-2012 mới được bàn giao mặt bằng để xử lý nền đất yếu tại đây và Công ty Vận tải Thăng Long đã huy động tối đa lực lượng thi công, dự kiến hết tháng 12-2012 mới hoàn thành gia tải. Cách đó không xa, các đơn vị của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long đang đúc dầm, lao lắp dầm cầu vượt quốc lộ 1 và đường sắt. Dự kiến, trước Tết Nguyên đán 2013 sẽ hoàn thành lao lắp toàn bộ dầm cầu. Tuy nhiên, nếu "điểm nóng" Km 1+700 không hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng sẽ ảnh hưởng đến thông tuyến.

Cùng mối lo lắng xử lý đất yếu, Đại tá Lâm Văn Tế, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu PK1B, đoạn Đông Anh - Yên Phong cho biết, cả gói thầu dài hơn 10,8km thì có tới 6,5km phải xử lý nền đất yếu. Xác định được khó khăn đó, nên có mặt bằng đến đâu, Ban Điều hành yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương tổ chức thi công. Lo lắng lớn nhất đối với  gói thầu hiện nay là còn khoảng 750m cần phải xử lý đất yếu thuộc địa phận xã Dục Tú (Đông Anh) vẫn chưa được bàn giao mặt bằng. Đại tá Lâm Văn Tế cho biết, thời gian xử lý nền đất yếu không thể tùy tiện rút ngắn, do vậy, nhà thầu đang chờ đợi từng ngày nhận mặt bằng, trên cơ sở đó sẽ tìm phương án tối ưu để bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình. Cũng tại gói thầu này, cầu vượt đường ngang số 4 dù được thi công đầu tiên trong số các cầu thuộc PK1B, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ do đường điện 110kV vẫn trơ trơ cản lối không thể thi công, dù Thủ tướng Chính phủ đã có công điện và bố trí vốn cho các địa phương để xử lý các công trình công cộng. Đây là những hình ảnh trái ngược hoàn toàn tới không khí công trường sôi động tại nút giao lớn nhất  trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với quốc lộ 18 thuộc gói thầu PK1B.

Xử lý nền đất yếu đòi hỏi thời gian và có ý nghĩa quan trọng đối với các dự án giao thông. Không xử lý tốt, bảo đảm yêu cầu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ toàn tuyến. Nếu chấp nhận thông toàn tuyến để bảo đảm giao thông sẽ phải có thời gian chờ bù lún vốn gây bức xúc dư luận ở không ít dự án.

Nguyễn Đức